Lạ lùng ngôi chùa khoác cà sa, lập bàn thờ cho 1 gốc dừa sáp, xúc động khi biết lý do đằng sau
Cây dừa sáp dù không còn sống nhưng vẫn được thờ trong một ngôi chùa nổi tiếng của Trà Vinh.
Ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một ngôi chùa nổi tiếng tên là chùa Chợ. Nơi đây không chỉ thờ các vị chư Phật mà còn thờ một gốc dừa cổ màu đen xám, có kích thước cao x đường kính là 1m x 1m. Theo chia sẻ từ lãnh đạo huyện Cầu Kè thì cây dừa này chính là "tổ" của tất cả những cây dừa sáp ở Việt Nam.
Sư cả chùa Chợ là Hòa thượng Thạch Dung cho biết gốc dừa sáp này đã được đưa từ nước ngoài về từ năm 1924. Người đưa về chính là Hòa thượng Thạch Sô của chùa. Mất 6 năm, tức là vào năm 1930, cây dừa này mới bắt đầu cho trái. Trái của nó được các nhà sư trong chùa phân phát cho người dân Trà Vinh làm dừa giống. Từ đó, dừa sáp dần phổ biến và số lượng cây cũng ngày một tăng lên.
"Khi kết thúc khóa tu học ở nước ngoài, Hòa thượng Thạch Sô mang 2 trái dừa sáp giống về, tuy nhiên khi trồng chỉ mọc được một cây. Biết giống dừa quý, các sư trong chùa đều chăm sóc rất cẩn thận, khi cây có trái thì phân phát giống ra khắp vùng", Hòa thượng Thạch Dung kể lại.
Cây dừa sáp tổ vô cùng sai quả, sức sống của nó cũng vô cùng mạnh mẽ. Tính đến năm 1996, cây đã cao đến hơn 20 mét, vượt trội so với tất cả cây cối trồng xung quanh. Đáng tiếc là trong một trận gió lớn, cây bị xô gãy rồi chết hẳn. Các sư thầy ở chùa Chợ đã giữ lại gốc dừa sáp tổ, khoác lên chiếc áo cà sa, cho vào trong tủ kính rồi đặt lên bàn thờ để tưởng niệm. Sư Thạch Dung bộc bạch: "Chúng tôi coi cây dừa như một thành viên của chùa. Cây đã giúp người dân có giống dừa quý, để từ đó có cuộc sống tốt hơn, vì thế chúng tôi tôn trọng, thờ cúng".
Được biết, nhờ có cây dừa sáp tổ mà người dân Trà Vinh đã gây giống và trồng thành công rừng dừa sáp rộng gần 1.300ha. Giống dừa này trở thành đặc sản của vùng, giá bán khá cao dao từ gần 100.000 đồng - hơn 200.000 đồng, đem lại kinh tế vững chắc cho người dân.
Nguồn: Dân Trí