Danh tính Nguyên phi quyền lực nhất lịch sử Việt Nam: Được xây đền thờ và đặt tên cho đường phố
Trong lịch sử Việt Nam, Nguyên phi Ỷ Lan được xem là hoàng hậu quyền lực bậc nhất khi có 2 lần buông rèm nhiếp chính, đưa ra nhiều quyết định quan trọng của đất nước. Con đường "hóa phượng hoàng" của bà chắc hẳn sẽ khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Nguyên phi Ỷ Lan sinh năm 1044, vốn làm nghề hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi (còn có tên là làng Sủi, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Có nhiều thông tin về tên thật của bà, chỗ thì ghi Lê Khiết Nương, chỗ gọi là Lê Thị Khiết, Lê Thị Yến Loan. Dù xuất thân hèn mọn nhưng bằng sự đoan trang, khéo léo, cô đã khiến vua Lý Thánh Tông si mê ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Cả hai gặp gỡ nhau vào năm Quý Mão 1063, khi vua đi viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành) để cầu tự vì ngài và Hoàng hậu Thượng Dương tuổi tứ tuần vẫn chưa có được mụn con. Trong khi ai nấy đều quỳ hai bên đường để có thể được một lần nhắm nhìn long nhan thì Ỷ Lan lại khép nép đứng tựa mình vào gốc cây lan đợi đoàn người triều đình đi qua. Vua thấy lạ liền dừng lại hỏi nguyên do, cô liền đáp: "Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng".
Cảm mến cô gái quê phong nhã, hiểu lễ nghĩa, vua đem nàng về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Cái tên Ỷ Lan có nghĩa là dựa vào gốc lan, hồi tưởng về lần đầu tiên hai người gặp nhau. Dù thân phận không cao nhưng Ỷ Lan may mắn nhanh chóng mang long thai, sinh ra hoàng tử Lý Càn Đức. Vua Lý Thánh Tông lập tức sắc phong con trai duy nhất của mình lên làm Thái tử, Ỷ Lan phu nhân cũng được phong làm Thần phi. Năm 1068, bà tiếp tục được phong làm Nguyên phi sau khi sinh thêm con trai nữa cho vua.
Địa vị chỉ dưới duy nhất Dương Hoàng hậu, Nguyên phi Ỷ Lan còn được vua sủng ái hết mực vì sự thông minh, hiểu biết và ham học hỏi của mình. Khác với hậu cung chỉ chăm chăm son phấn, Nguyên phi chăm chỉ đọc sách và nghiên cứu cách trị nước để giúp chồng trấn giữ giang sơn. Vua tin tưởng Nguyên phi đến mức giao cả việc nhiếp chính cai quản chuyện xã tắc cho bà khi thân chinh đi diệt giặc phương xa. Góp phần đưa cuộc sống của dân chúng trở nên tốt hơn, vị thế của bà càng lúc càng cao.
Tháng Giêng, năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, con trai cả của Nguyên phi Ỷ Lan là Thái tử Lý Càn Đức lên ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông, Ỷ Lan Nguyên phi được phong làm Linh Nhân Thái phi. Vì vua khi đó mới 6 tuổi nên quyền nhiếp chính sẽ rơi vào tay Dương Hoàng hậu (khi đó là Thượng Dương Thái hậu). Không cam lòng, Nguyên phi Ỷ Lan dùng khổ nhục kế, giả ốm để con trai tới thăm, tiện bề than thở, đánh vào tình cảm của vua. Đúng như dự tính, vua Lý Nhân Tông đã đồng ý để mẹ nhiếp chính.
Có người lên ắt phải có kẻ xuống, Ỷ Lan Thái phi xúi con trai đày Thượng Dương Thái hậu cùng 72 cung nữ thân cận vào lãnh cung, phong bà làm Thái hậu mới. Thậm chí ngay khi đã đạt được quyền lực tối cao, bà vẫn quyết định bức tử Thượng Dương Thái hậu cùng cùng 72 cung nữ để đề phòng hậu họa. Dù gây ra nhiều tội ác nhưng không thể phủ nhận Nguyên phi Ỷ Lan đã khiến nhà Lý trở nên hưng thịnh. Bà đã dùng Lý Thường Kiệt đánh bại quân xâm lược nhà Tống, xây cất 150 chùa, đền, xám hối tội lỗi trong quá khứ của mình.
Nguyên phi Ỷ Lan qua đời vào năm 1117. Đền thờ Quốc mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan hay còn gọi là chùa Bà Tấm tọa lạc tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được xây dựng lên để tưởng nhớ đến vị hoàng hậu quyền lực bậc nhất lịch sử Việt Nam. Tại Đình Bảng, tx. Từ Sơn, Bắc Ninh cũng có một con đường mang tên Nguyên Phi Ỷ Lan. Nguyên Phi Ỷ Lan cũng được đặt tên cho một đường trực thuộc thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.
Minh Hằng hạnh phúc chia sẻ hình ảnh quý tử, Lan Ngọc cùng dàn sao đồng loạt gửi lời chúc mừng
Ngay nhìn thấy thấy hình ảnh con trai đầu lòng của ca sĩ Minh Hằng, Lan Ngọc cùng dàn sao Việt nhanh chóng để lại bình luận chúc mừng.