Hoàng đế Trung Quốc từng bị 16 cung nữ ám sát, cả đời khao khát tu thành tiên, trường sinh bất lão
Có đến hơn 40 năm vị hoàng đế này đắm chìm trong tu đạo và kiếm tìm phương thuốc trường sinh.
Minh Thế Tông tên thật là Chu Hậu Thông, là vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị tổng cộng 45 năm (1521 - 1567), trở thành một trong những vị Hoàng đế Trung Quốc tại vị trên ngai vàng lâu nhất. Trong suốt gần nửa thế kỉ trị vì, ông chỉ dùng một niên hiệu duy nhất là Gia Tĩnh.
Minh Thế Tông nổi tiếng trong lịch sử là người tàn độc, hoang dâm vô độ. Vì đối nghịch với đại thần trong việc thêm tôn hiệu cho cha mẹ mà ông sẵn sàng bắt giữ hơn 140 quan viên, phạt trượng 180 người khiến cho 17 người bị giết chết, 8 người khác bị sung quân.
Dù ngang tàng nhưng vị hoàng đế này lại cực kì tin tưởng pháp lực và tiên thuật của Đạo giáo. Nguyên nhân xuất phát từ việc một vị đạo sĩ đã thực sự chữa được bệnh vô sinh cho ông, giúp ngài giải quyết được lo lắng không có người nối dõi. Từ đó, Minh Thế tông mỗi ngày đều tụng Đạo kinh. Nhận thấy sự u mê của hoàng đế, nhiều đạo sĩ đã hiến những tà phương yêu thuật để đổi lấy công danh. Các quan từ lớn đến nhỏ cũng thuận nước đẩy thuyền, hùa theo sự mê tín của hoàng đế. Thậm chí, có thái giám cả gan nhân lúc Hoàng đế ngủ say để đặt quả đào bên gối, vờ nói rằng đây là dấu hiệu của thần tiên hạ phàm.
Giống với Tần Thủy Hoàng, Minh Thế Tông cực kì khao khát chuyện bất tử, điên cuồng theo đuổi việc chế thuốc trường sinh. Năm Gia Tĩnh thứ 19 (1540), đạo sĩ Thiệu Nguyên Tiết luyện chế thuốc trường sinh cho hoàng đế. Đáng nói, thứ thuốc này yêu cầu phải dùng thứ máu của thiếu nữ đến kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên làm nguyên liệu, gọi là "thần lộ", khiến cho nhiều thiếu nữ bị lạm dụng, vô cùng đau đớn vì mỗi ngày phải dùng thuốc để nhanh đến kỳ kinh nguyệt, nhiều người không chịu được mà qua đời.
Đây chính là nguồn cơn khiến các cung nữ vô cùng oán thán, lập mưu ám sát Minh Thế Tông. Đêm ngày 21/10 năm Gia Tĩnh thứ 21 (1542), nhân lúc Thế Tông uống rượu say ngủ thiếp đi trong Đoan phi cung, Dương Kim Anh cùng 16 cung nữ lẻn vào dùng vải vàng che mặt Hoàng đế Gia Tĩnh, thòng dây vào cổ hòng định ám sát ông nhưng vì quá hoảng loạn đã làm sợi dây thừng bị rối thành nút thắt, không thể siết chặt cổ hoàng đế. Việc ám sát không thành, Trương Kim Liên báo tin cho Phương hoàng hậu cùng quân lính đến giải cứu Gia Tĩnh đế. Kết cục hoàng đế thoát nạn, Đoan Phi cùng Dương Kim Anh bị xử tử, 16 cung nữ bị lăng trì.
Sau biến cố lớn, Minh Thế Tông chuyển đến Tây Uyển Vĩnh Thọ cung, chuyên tâm tu đạo tu tiên, một lòng muốn làm đạo sĩ, còn tự đặt cho mình rất nhiều cái tên cho giống với người theo đạo gia. Ông cũng chi tiền lớn để xây dựng các cung phục vụ cho việc tu đạo như địa cung Vĩnh Lăng có hình dạng như Cửu Trọng Pháp Cung của Đạo gia. Vua quá đam mê đạo pháp, bòn tiền dân đen để thỏa mãn đam mê khiến nơi nơi lầm than, oán thán. Hoàng đế giao quyền cho Thái tử để bản thân chỉ lo tu đạo thành tiên, hơn 20 năm không thượng triều, quốc khố trống rỗng, gian thần lộng hành, tham mưu hối lộ, giặc biên xâm chiếm, đất nước suy yếu. Cuối cùng, Minh Thế Tông vẫn không thoát được quy luật sinh lão bệnh tử, băng hà vì bệnh nặng vào năm 1567.