Đường Tăng từng ốm 'thập tử nhất sinh' đến mức chuẩn bị sẵn giấy bút để viết di chúc gửi vua Đường
Trận ốm 'thập tử nhất sinh' của Đường Tăng lại không cần chữa trị mà tự khỏi sau 3 ngày. Vì sao lại như vậy?
Trong nguyên tác Tây Du Ký, hồi thứ 81, phân cảnh Đường Tăng đột nhiên đổ bệnh nặng để lại ấn tượng vô cùng đặc biệt. Theo đó, sau khi sư phụ đi vệ sinh vào ban đêm mà không đội mũ đã bị trúng gió, cơ thể trở nên đau nhừ, hoa mắt chóng mặt. Suốt 3 ngày liền, dù làm mọi cách nhưng bệnh tình của Đường Tăng không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, đến nỗi sư phụ tưởng không thể qua khỏi đã yêu cầu đồ đệ chuẩn bị giấy mực để viết thư gửi vua Đường, xin ngài cử người khác thay mình đi thỉnh kinh.
Trước tình hình của sư phụ, Trư Bát Giới vừa hoảng sợ vừa lo lắng, hắn thậm chí còn tính đến nước chia hành lý. Tuy nhiên, Tôn Ngộ Không lại nhìn thấu được căn nguyên bệnh tình của sư phụ. Tề Thiên Đại Thánh biết được sư phụ thực chất là Kim Thiền Tử, đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai. Vì ngủ gục trong lúc nghe Phật Tổ giảng kinh nên bị buộc tội khinh mạn Phật pháp, phải chịu kiếp nạn đày xuống trần gian, tu đủ 10 kiếp, trải qua đủ khổ nạn đắc đạo mới được trở lại đất Linh Sơn.
Nghe tới đây, Trư Bát Giới có vài phần muốn bênh vực sư phụ khi cho rằng kiếp nạn mà ông trải qua là quá nặng nề. Bởi, Đường Tăng đã phải chịu đủ đày đọa của yêu ma, quỷ quái, khổ đau trần thế, ấy vậy mà vẫn phải chịu thêm nỗi đau thể xác do bệnh tật hành hạ. Tôn Ngộ Không giải thích rõ rằng hình phạt của sư phụ chính là hình phạt nhân đôi theo tội vì không chỉ ngủ gục khi nghe giảng kinh, Kim Thiền Tử còn giẫm phải một hạt gạo nên xuống hạ giới phải bị bệnh mất 3 ngày. Quả thực, bệnh tình của Đường Tăng sau 3 ngày đã tự động khỏi. Điều này đồng nghĩa với việc nghiệp quả của ông cũng đã tiêu trừ.
Kiếp nạn của Đường Tăng là bài học đắt giá về nghiệp quả, giúp ông hiểu rõ hơn về những khổ đau mà con người phải gánh chịu trong cuộc sống sinh lão bệnh tử. Tình tiết này giống như đang nhắc nhở con người luôn cẩn trọng khi làm bất cứ điều gì vì thứ chúng ta làm trong quá khứ đều có thể ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai.