Đời sống

Trụ Cyrus là chứng nhân lịch sử đặc biệt, hé lộ nhiều điều bí ẩn về Ba Tư cổ đại

Trụ Cyrus là chứng nhân lịch sử đặc biệt, hé lộ nhiều điều bí ẩn về Ba Tư cổ đại

Chiếc trụ nhỏ bé không đơn thuần là món cổ vật giá trị mà còn chứa đựng những bí ẩn về xã hội Ba Tư cổ đại. 

Trụ Cyrus là cổ vật đặt theo tên của Cyrus Đại đế - vị vua thuộc triều đại Achaemenid (690-328 TCN) trị vì đế quốc Ba Tư cổ đại rộng lớn. Nó được phát hiện vào năm 1879 trong chuyến thám hiểm của Bảo tàng Anh tới Babylon, chứa đựng những thông tin quan trọng về sự hùng vĩ và phức tạp của Ba Tư cổ đại dưới triều đại của Cyrus Đại đế.

Trụ Cyrus

Chiếc trụ này được chế tạo cách đây hơn hai thiên niên kỷ, có hình thùng, bị vỡ nhiều mảnh, bên ngoài được khắc chi chít các dòng chữ hình nêm. Nó đóng vai trò như một mối liên kết hữu hình với một mốc thời gian quan trọng trong lịch sử. Văn khắc trên đó diễn tả quá trình vua Cyrus chinh phục được Babylon vào năm 539 trước CN và ông đã bắt được vua nước Babylon Nabonidus. Văn bản cũng nói về việc Đại đế đã trùng tu lại những nơi thờ cúng các vị thần như thế nào, giải thoát cho nhiều người bị Babylon giam giữ và sắp xếp để cho họ về nước thuận lợi. 

Tranh chân dung Cyrus Đại đế 

Cyrus Đại đế, người được ca ngợi là đã sáng lập Đế chế Ba Tư, trở nên nổi tiếng nhờ các cuộc chinh phạt và năng lực ngoại giao xuất chúng. Cuộc đụng độ của ông với đế chế Babylon lên đến đỉnh điểm là khi đế chế này chính thức sụp đổ vào năm 539 trước Công nguyên. Sự kiện này đã được tiên tri bởi nhà tiên tri Do Thái tên Daniel. Chiếc trụ cổ đã làm chứng cho lời tuyên bố của Cyrus (được viết bằng chữ hình nêm của người Babylon). Nó cũng biện minh cho cuộc chinh phục của ông và lòng khoan hồng cho những người bị giam cầm ở Babylon. 

Cận cảnh trụ Cyrus 

Ngoài ý nghĩa lịch sử, trụ Cyrus còn thể hiện nhiều khía cạnh liên quan đến sự giải phóng và chủ nghĩa đa văn hóa. Sắc lệnh của Cyrus trả tự do cho những người Do Thái bị giam giữ đã gây tiếng vang trong hàng thiên niên kỷ, tượng trưng cho sự khôi phục của Jerusalem và định hình lại bản sắc Do Thái. Hơn nữa, sự khoan dung của Đế quốc Ba Tư đối với các nền văn hóa và tôn giáo đa dạng đã đặt nền móng cho một xã hội đa văn hóa, thể hiện rõ trong các hoạt động hành chính và thành tựu nghệ thuật. 

Mặc dù là một di tích của thời cổ đại, trụ Cyrus vẫn có giá trị trong xã hội đương đại. Hành trình của nó từ hiện vật khảo cổ đến biểu tượng chính trị phản ánh sự phát triển về bản sắc và quyền lực ở Trung Đông.