Đời sống

Cổ vật quý hiếm có từ thời La Mã được khai quật bên dưới giếng cổ, hé lộ nhiều bí mật cổ xưa

Những hiện vật được tìm thấy tại giếng cổ được xem là kho báu giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cuộc sống cổ xưa và các nghi lễ sùng bái của cư dân nơi đây cũng như các khu vực lân cận.

Trong khu vực linh thiêng gần Đền Hercules, các nhà khảo cổ khai quật được một cái giếng ở thành phố cổ Ostia Antica, cách Rome khoảng 15 dặm về phía tây nam. Thay vì chỉ có nước, nhóm chuyên gia đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy nhiều thứ thú vị. Theo Bộ Văn hóa Ý, họ đã phát hiện hàng chục hiện vật quý hiếm dưới độ sâu 10 feet của giếng. 

Hiện vật tìm thấy dưới giếng cổ 

Các hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ nhất và thứ hai sau Công nguyên, được bảo quản tốt nhờ chôn trong bùn nghèo oxy, tách biệt khỏi các yếu tố tự nhiên. Chúng được xem là kho báu giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cuộc sống cổ xưa và các nghi lễ sùng bái của cư dân nơi đây cũng như các khu vực lân cận. Giám đốc Bảo tàng tại Bộ Văn hóa Ý - ông Massimo Osanna - tiết lộ trong một tuyên bố rằng: "Công việc trùng tu đã được xem là một cơ hội duy nhất để nghiên cứu và đào sâu kiến ​​thức về vai trò và hoạt động diễn ra trong thánh đường".

Vật hình phễu kì lạ trong đống hiện vật gây tò mò 

Ngoài một số món đồ kì lạ thì các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra những mảnh thủy tinh, đá cẩm thạch, những mảnh gốm và thậm chí cả một bộ mảnh gỗ lồng vào nhau. Trong giếng cũng tìm thấy xương và đồ gốm bị cháy, giúp liên tưởng về nghi lễ hiến tế động vật. Giám đốc công viên khảo cổ, Alessandro D'Alessio, nói với James Imam của Báo Nghệ thuật rằng: "Những phát hiện này là bằng chứng trực tiếp về các nghi lễ diễn ra tại thánh địa… Chúng ta có thể đã từng hình dung ra đểu này trước đây nhưng lại không có bằng chứng".

Dựa vào bằng chứng khảo cổ lâu đời nhất của Ostia, các nhà khảo cổ cho rằng khu thánh địa có thể được thành lập vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên bởi vị vua huyền thoại thứ tư của Rome, Ancus Marcius. Nơi đây sau này đóng vai trò là cảng quan trọng của Đế chế La Mã với dân số đạt tới khoảng 50.000 người vào thời kỳ đỉnh cao (khoảng thế kỷ thứ hai sau Công nguyên). 

Du khách chưa thể đến thăm khu vực linh thiêng này vì hiện tại công việc trùng tu vẫn đang được tiếp tục. Những hiện vật mới phát hiện sẽ được đưa đến Bảo tàng Ostiense để bảo quản và trưng bày.