Đời sống

'Điệp viên hoàn hảo' Phạm Xuân Ẩn - người được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tín nhiệm là ai?

'Điệp viên hoàn hảo' Phạm Xuân Ẩn - người được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tín nhiệm là ai?

Trong lịch sử tình báo Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (tên thật là Phạm Văn Thành) là cái tên nổi bật nhất với danh xưng "điệp viên hoàn hảo". Trong quá trình hoạt động, ông sử dụng các biệt danh như X6, Trần Văn Trung (Hai Trung)... Thiếu tướng tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam sinh ra trong một gia đình có cụ nội là nghệ nhân kim hoàn từng chế tác đồ vàng bạc cho triều đình, ông nội là hiệu trưởng một trường nữ sinh ở Huế, cha là một kỹ sư công chánh cao cấp tại Sở Công chánh, ông Ẩn sau khi lớn lên đã trở thành một nhà báo nổi tiếng, từng làm việc cho các tờ Reuters, tạp chí TIME, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor... 

phamxuanan2-1687233837.jpg
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Khi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, Phạm Xuân Ẩn đã bỏ học và gia nhập tổ chức Thanh niên Tiền phong, trải qua khóa huấn luyện công tác tuyên truyền của Việt Minh. Trong khoảng thời gian trở về Sài Gòn để chăm sóc người cha ốm nặng vào năm 1947, ông Ẩn vừa tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình chống Pháp, chống Mỹ của học sinh sinh viên Sài Gòn, vừa làm Thư ký cho Công ty Dầu lửa Caltex đến năm 1950. Sau đó ông chuyển công tác đến Sở Thuế quan Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ tình báo đầu tiên về tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự và quân đội từ Pháp sang Việt Nam và ngược lại.

phamxuanan5-1687233837.jpg
 

2 năm sau, Phạm Xuân Ẩn ra Chiến khu D và nhận nhiệm vụ tình báo chiến lược trực tiếp từ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ. Và 1 năm sau đó, vào năm 1953, ông chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại rạch Cái Bát, Cà Mau trong rừng U Minh, có đồng chí Lê Đức Thọ (khi đó đang giữ chức Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam) làm chủ tọa. Bị địch gọi đi nhập ngũ và giao cho vị trí Bí thư phòng Chiến tranh tâm lý trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp tại Camp Aux Mares (thành Ô Ma) vào năm 1954, ông Ẩn có cơ hội  làm thân với Đại tá Edward Lansdale - tướng địch cấp cao khi vừa giữ chức Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), chỉ huy CIA tại Đông Dương vừa là trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn.

phamxuanan3-1687233836.jpg

Phạm Xuân Ẩn quen biết nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, dần tiến sâu vào lòng địch để lấy thông tin 

Chỉ 1 năm sau khi gia nhập vào đội ngũ của địch, ông Ẩn nhận được đề nghị tham gia soạn thảo các tài liệu về tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần cho quân đội từ chính phái bộ cố vấn quân sự Mỹ. Đồng thời ông còn cùng với Mỹ tuyển chọn các sĩ quan trẻ có triển vọng để đưa sang Mỹ đào tạo. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận với những nhân vật quyền lực nhất trong chính quyền địch thì như vậy là chưa đủ. Ông Ẩn theo sự chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ và đồng chí Trần Quốc Hương (biệt danh là Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) đã sang Mỹ học ngành báo chí tại Quận Cam, California (1957 - 1959), trở thành là người Việt Nam đầu tiên được cử sang Quận Cam học báo chí với nhiệm vụ vừa học vừa tìm hiểu về văn hóa Mỹ. 

Hoàn thành khóa học và về nước vào tháng 10/1959, ông Phạm Xuân Ẩn nhờ quen biết với giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Văn hóa Xã hội (cơ quan mật vụ trực thuộc Phủ Tổng thống) Trần Kim Tuyến đã được làm việc tại Việt Tấn xã, chuyên phụ trách các phóng viên ngoại quốc làm việc ở nơi này. Công việc của ông sau đó cũng thay đổi liên tục: 1960 - giữa năm 1964 làm cho Hãng thông tấn Reuters; 1964 - đầu năm 1965 làm phóng viên cho tờ The New York Herald Tribune; 1965 - 1966 ông làm việc cho Tuần báo Time và là cộng tác viên của nhiều tờ báo khác như The Christian Science Monitor... Là người Việt Nam đầu tiên mức lương biên chế 750 đô/tháng từ hãng truyền thông nước ngoài, ông Ẩn cho thấy sự nhạy bén khi là tác giả của rất nhiều bài báo nổi tiếng thu hút sự quan tâm của dư luận, trở thành kí giả có tầm bậc nhất thời đó. 

Với vỏ bọc phóng viên, có quan hệ với nhiều sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và người của CIA… ông Phạm Xuân Ẩn nghiễm nhiên có được rất nhiều thông tin quan trọng từ quân đội, cảnh sát và các cơ quan tình báo của địch. Sau khi về nước, ông Ẩn để khiến địch hoàn toàn tin tưởng, không đề phòng mình đã biến mình thành một tay chơi, vừa có mối quan hệ rộng lại "quen mặt" ở khắp các vũ trường, quán bar, nhà hàng sang trọng… 

Trong suốt sự nghiệp tình báo, ông Ẩn đã đưa rất nhiều thông tin quan trọng có tính quyết định, điển hình như các tài liệu liên quan đến Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (tài liệu McGarr “Technics and Tactics of Counter Insurgency”; nguyên bản kế hoạch kế hoạch Staley-Taylor, tài liệu Harkins; tài liệu về Ấp chiến lược…); Đánh giá về khả năng Mỹ đưa bộ binh sang Việt Nam trong giai đoạn 1964 - 1965; Các báo cáo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; Tài liệu về Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”; Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975; Báo cáo tình hình tinh thần và vật chất đang cạn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa;... Tổng số tài liệu mà ông Ẩn gửi về căn cứ lên đến 498 báo cáo, tài liệu nguyên gốc được sao chụp, các thông tin thu lượm được về tình hình của Mỹ ngụy trong đó có những thông tin vô cùng quan trọng. Đáng chú ý, các phân tích sống động và vô cùng tỉ mỉ của ông Ẩn đã góp công không nhỏ cho sự thành công của các cuộc chiến sau này. 

phamxuanan4-1687233837.jpg
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tín nhiệm ông Ẩn

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Hương (Mười Hương) đã từng kể lại rằng: “Tôi từng nghe các đồng chí ở Trung ương kể rằng sau khi đọc những báo cáo của Ẩn gởi về từ Mỹ, Bác Hồ xúc động thốt lên: “Đọc báo cáo mà cứ như ngay ở trung tâm New York!”. Hay sau khi đã về nước, hoạt động trong lòng địch, những báo cáo của ông Ẩn cũng vô cùng chính xác, khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Cứ như ta đang ở trong bộ tổng tham mưu của địch”. Các tướng lĩnh của chính quyền Sài Gòn đều nể trọng ông. Họ muốn lấy lòng ông hơn là ông kết thân với họ để lấy tin tức. Vì thế ông có cơ hội cung cấp rất nhiều tin quân sự quý giá cho cách mạng”.

Để có thể vận chuyển tin tức một cách an toàn đến mật khu, ông Ẩn không sử dụng “hộp thư” chuyển tin như nhiều điệp viên khác mà dán ria mép, hóa trang thành một phóng viên lái ô tô đi săn tin vài ngày rồi trở về Sài Gòn. Sở dĩ ông Ẩn được gọi là người "điệp viên hoàn hảo" vì không những khiến địch "dâng" tin đến tận tay mà còn được mời dự giao ban quân sự, ngồi cùng với các sĩ quan quân đội Mỹ đi trên trực thăng hành quân đến trận địa, các phòng thuyết trình để xem các bản đồ chiến sự mới nhất…

Với những đóng góp của mình, ông Ẩn nhận Huân chương Chiến công đầu tiên vào năm 1963, sau thắng lợi của bộ đội chủ lực và du kích ở Ấp Bắc (Tiền Giang). Ngày 15/01/1976, Phạm Xuân Ẩn lần đầu lộ diện với vai trò tình báo viên thời chiến khi được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1990, Đại tá Phạm Xuân Ẩn được thăng cấp Thiếu tướng và 12 năm sau, vào năm 2002, ông mới về hưu. Suốt cuộc đời cống hiến hết mình cho sự hòa bình của dân tộc, ông Ẩn đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có: Huân chương Độc Lập hạng nhì; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất; 2 hạng Nhì; 1 hạng Ba); Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Ông mất vào ngày 20/9/2006 tại Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.

 

Hé lộ bữa ăn hằng ngày của tổng thống Nga Putin, cả đời tránh xa một loại đồ uống

Tổng thống Putin ăn gì, uống gì mà tuổi 71 vẫn minh mẫn và cường tráng luôn là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người trên toàn thế giới.