Tác giả Thủy Hử vì viết truyện mà đi tù, được học trò cưng cứu ra bằng tác phẩm Hậu Thủy Hử
Người học trò cưng vì cứu Thi Nại Am khỏi cảnh tù tội mà đã viết lên tác phẩm Hậu Thủy Hử.
Thủy Hử là tác phẩm kinh điển nằm trong "tứ đại danh tác" của văn học cổ điển Trung Hoa. Nội dung của nó bao gồm hai phần chính: giai đoạn hình thành, tập hợp 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (trong 70 hồi đầu) và quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của các anh hùng. Tác giả Thi Nại Am (1296-1370) sáng tác dựa trên các câu chuyện truyền miệng trong dân gian đời Tống, Nguyên và tham khảo từ sách "Đại Tống Tuyên Hòa di sự".
Dù Thủy Hử trở thành huyền thoại trong văn học Trung Quốc, đưa tên tuổi của Thi Nại Am lên đến tầm cao khó ai bì kịp, nhiều lần Minh Thái Tổ sai Lưu Bá Ôn - bạn thân của Thi Nại Am - mời vào triều làm quan. Vào khoảng gần giữa năm 1368, khi hoàng đế đọc được một bản sao của Thủy Hử đã nhốt Thi Nại Am vào ngục tù. Minh Thái Tổ giận dữ: "Một kẻ có mưu đồ tạo phản viết sách xúi dân làm loạn. Thảo nào, ta cố vời mà hắn cứ làm ngơ. Không trừ tất để họa về sau".
Rơi vào cảnh tù tội, Thi Nại Am cầu cứu Lưu Bá Ôn và nhận được lời khuyên rằng: "Huynh vì sao vào đây thì sẽ ra khỏi đây cũng bằng cách đó". Ông lập tức hiểu ra ngay, liền đáp: "Ta vì viết sách mà vào tù, vậy cũng phải viết sách để ra khỏi tù?". Lưu Bá Ôn nói thẳng: "Nếu huynh chịu viết phần tiếp của Thủy hử theo hướng nghĩa quân Lương Sơn Bạc nhận chiêu an triều đình, để giúp dân giúp nước, tôi nguyện dâng biểu lên Hoàng thường, để xin giúp huynh".
Ngay lập tức, Thi Nại Am đã nghĩ ngay đến học trò cưng của mình là La Quán Trung (1330-1400). Họ La xuất thân từ gia đình quý tộc giàu có ở Tiền Đường, Thái Nguyên Sơn Tây, tư chất vô cùng thông minh, được Thi Nại Am hết mực bồi dưỡng. Tương truyền, chính người học trò này là người “gợi ý” cho Thi Nại Am lấy tên “Thủy hử” thay cho cái tên “Giang hồ Hào Khách truyện” ban đầu.
Sau khi nhờ người gọi La Quán Trung đến nhà lao để bàn bạc, cả hai quyết định viết tiếp Hậu Thủy Hử. Tuy nhiên Thi Nại Am khi đó đã quá già yếu nên người chắp bút là học trò cưng của ông. Nội dung phần sau kể về việc nghĩa quân Lương Sơn sau khi đánh thắng các cuộc đánh dẹp của triều đình nhà Tống, nhận chiêu an và tiến công nước Liêu, bình định các cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp, cũng như kết cục cuối đời của từng người trong số 108 vị anh hùng. Phần này được hoàn thành trong gần 1 năm, sau khi dâng lên Minh Thái Tổ đã làm ngài hài lòng, quyết định phóng thích Thi Nại Am vào cuối năm 1369. Tuy nhiên, vì cả thể chất lẫn tinh thần đều quá tiều tụy nên Thi Nại Am qua đời vài tháng sau đó.
La Quán Trung sau khi viết xong Hậu Thủy Hử đã sáng tác "Tam Quốc diễn nghĩa". Tác phẩm này được đánh giá là tiểu thuyết chương hồi vĩ đại bậc nhất trong lịch sử văn học cổ điển Trung Hoa.