Hoàng đế nào của Trung Quốc được cho là Tần Thủy Hoàng 'trùng sinh' sau 800 năm?
Cuộc đời của vị hoàng đế này trùng khớp với Tần Thủy Hoàng một cách không tưởng nên được hậu thế coi là phiên bản 'trùng sinh' của 'thiên cổ nhất đế'.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN) được mệnh danh là "thiên cổ nhất đế" khi là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN. Tài giỏi là thế nhưng Tần Thủy Hoàng lại khiến bao người oán thán vì sự bạo tàn của mình.
Để đưa quyền lực về một mối, ông đặt ra các quy chuẩn thống nhất, thiết lập bộ máy quan liêu trung ương vững mạnh. Tưởng như Trung Quốc đã bước sang một chương mới thì sự ra đi đột ngột của Tần Thủy Hoàng đã mở ra một thời kì nhiễu loạn khác. Tần Nhị Thế (Hồ Hợi) vì sự bất tài, kém cỏi của mình mà khiến cho nhà Tần rơi vào tay tên thái giám gian ác Triệu Cao, kết cục là nhà Tần suy tàn chỉ sau 15 năm tồn tại.
800 năm sau, nhà Tùy cũng có số phận y chang nhà Tần và Tùy Văn Đế Dương Kiên (541 - 604) được xem là phiên bản "trùng sinh" của Tần Thủy Hoàng. Vị hoàng đế này cũng được đánh giá là nhân tài hiếm có khi chấm dứt tình trạng chia cắt 250 năm của Trung Hoa kể từ ngày sụp đổ của Tây Tấn năm 316. Tương tự như việc Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành, Tùy Văn Đế chính là người đẩy mạnh việc xây dựng kênh đào Vận Hà - công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng của Trung Quốc thời phong kiến cho đến tận ngày nay.
Suốt thời gian trị vì, Tùy Văn Đế Dương Kiên tiến hành một loạt biện pháp cải cách như bãi bỏ chế độ cha truyền con nối đối với quan lại, thay đổi chế độ thi cử của triều đình, thúc đẩy phát triển xã hội và kinh tế. Thế nhưng, sau khi con trai Dương Quảng của ông kế vị thì cũng là tín hiệu cho thấy sự suy tàn của nhà Tùy. Dương Quảng hiếu chiến, độc tài, gây chiến liên miên khiến cho một cuộc nổi dậy nông dân quy mô lớn. Cuối cùng nhà Tùy sụp đổ, chỉ tồn tại được 37 năm.