2 mật lệnh Hòa Thân để lại trước khi mất là gì mà có thể cứu cả gia tộc không phải chịu liên đới?
Nhờ có 2 mật lệnh này mà gia tộc Hòa Thân tránh được liên đới tới tội trạng của đại tham quan, tồn tại hơn 200 năm sau đó.
Hòa Thân (1750 - 1799) sinh thời là kẻ thông minh, tài hoa, khéo léo, tự mình leo lên đỉnh cao quyền lực, trở thành"sủng thần" số 1 của Càn Long. Thế nhưng kẻ lắm tài thì cũng nhiều tật, Hòa Thân dùng địa vị và quyền lực của mình để ra sức tham ô, mua quan bán chức, nhận hối lộ, tổng tài sản trước khi qua đời lên đến 1 tỷ lượng bạc, ngang với quốc khố của cả đại Thanh thu trong 15 năm.
Khi Càn Long còn sống luôn hết sức che chở cho Hòa Thân nhưng khi ông băng hà vào mùng 3 tháng 1 năm Gia Khánh thứ 4, tức ngày 7/2/1799, chỉ 15 ngày sau đó, vua Gia Khánh đã ra tay tiêu diệt gian thần, công bố 20 tội lớn của Hòa Thân, ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên, nhờ có tờ giấy ghi 3 chữ "Cho toàn thây" mà Càn Long viết cho trước khi mất nên Hòa Thân cuối cùng được cho tự vẫn tại phủ.
Hòa Thân mang nhiều trọng tội, chắc chắn người thân trong gia tộc của ông sẽ không tránh khỏi bị liên đới. Lường trước được tình huống này nên Hòa Thân trước khi mất đã để lại 2 mật lệnh. Đầu tiên là hủy đi gia phả. Bởi, nếu để triều đình hoặc những thế lực thù địch nắm được gia phả của gia tộc Hòa Thân thì chắc chắn danh sách tất cả con cháu của đại tham quan sẽ được xác định rõ ràng. Khi đó vì mất đi người đứng đầu (Hòa thân), hậu duệ của ông hoặc là bị truy sát trả thù, hoặc là cả đời sẽ sống không thể ngóc đầu lên được.
Mật lệnh thứ hai mà Hòa Thân để lại chính là xử lý từ đường của gia tộc. Giống như gia phả, từ đường chính là thứ dùng để định vị nơi sinh sống của hậu duệ Hòa Thân. Do đó, việc ông yêu cầu con cháu không được xây từ đường cũng là điều dễ hiểu. Nhờ có hai lời dặn dò này mà con cháu Hòa Thân sau này không lo bị truy đuổi, trả thù, sống cuộc sống bình yên cho đến tận ngày nay.