Ý nghĩa thực sự của những chuỗi hạt đeo quanh cổ các vị đại thần Trung Quốc thời nhà Thanh
Những chuỗi hạt này không đơn giản là đồ trang trí mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn bên trong.
Quan lại thời nhà Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc - thường xuyên được tái hiện lại trong các bộ phim cổ trang. Ngoài sự uy nghiêm, quyền lực thì họ có một điểm chung đó là luôn đeo trên mình chuỗi hạt đặc biệt khi diện triều phục.
Chuỗi hạt này nhìn giống với chuỗi hạt châu Phật nhưng thực ra là phiên bản cải tiến, thường được gọi là Triều Châu. Thường thì các hạt cườm sẽ được tạo ra từ nhiều chất liệu, tùy thuộc vào độ giàu có và địa vị của đại thần. Một số chất liệu phổ biến là trầm hương, sứ chạm khắc, ngọc mắt mèo, mã não đỏ phương nam và các loại ngọc quý khác.
Như vậy, chuỗi hạt Triều Châu không chỉ có tác dụng trang trí mà còn là món đồ thể hiện vị trí, quyền lực của chủ nhân. Cụ thể, những người được đeo chuỗi hạt này bao gồm hoàng đế, thê thiếp, công chức cấp năm, tùy viên quân sự cấp bốn trở lên, lính canh và quan chức trong kinh đô. Còn lại nếu tự ý đeo thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo quy định.
Được biết, không chỉ khác biệt về chất liệu mà ở mỗi vị trí khác nhau thì sẽ có thiết kế chuỗi hạt châu riêng. Ví dụ như khi thái hậu mặc triều phục, người cũng sẽ đeo chuỗi hạt giống như hoàng đế, treo hai chiếc đĩa, những hạt màu đỏ chéo trên cả hai vai, những hạt san hô. Đây là tín hiệu đặc biệt phân cấp quyền lực và địa vị trong triều đình. Tuy nhiên vì cách đeo hạt như vậy khác phức tạp và vướng víu nên sau này đã cải tiến cách đeo, không còn treo ngang, đeo chéo nữa. Những bức hình Từ Hi mặc triều phục đã phản ánh rõ sự thay đổi này.
Sở dĩ chuỗi hạt Triều Châu lấy cảm hứng từ chuỗi hạt châu Phật là vì các hoàng đế nhà Thanh tôn sùng Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng. Các chuỗi hạt có tổng cộng 108 hạt, trong đó 12 hạt tượng trưng cho 12 tháng trong một năm, 24 hạt tượng trưng cho 24 tiết khí, còn lại 72 hạt tượng trưng cho 72 tiết. Việc người đứng đầu của một nước đeo Triều Châu trên người chính là để bày tỏ lòng thành kính với thần linh và cầu mong mưa thuận gió hòa.