Vén màn lý do khiến hoạn quan thời nhà Đường kiêu ngạo, hống hách, dám đấu đá với quan đại thần
Hoạn quan vốn là vị trí nô tài, chạy việc vặt trong hoàng cung nhưng vào thời nhà Đường, hoạn quan lại cực kì hống hách và kiêu ngạo. Nguyên nhân do đâu?
Vào thời phong kiến Trung Quốc, hoạn quan là thành phần không thể thiếu trong hoàng cung. Họ là những người đàn ông đã bị thiến, thường vào cung chủ yếu vì một trong ba lý do, đó là những người phạm tội, là tù binh hoặc phản nghịch bị cắt sinh thực khí; Cống phẩm của địa phương tiến cống vào cung đình; Tự nguyện xin thiến làm hoạn quan để mưu cầu phú quý.
Về cơ bản, hoạn quan có địa vị xã hội vô cùng thấp, là tầng lớp bị coi thường, thậm chí là xa lánh. Tuy nhiên, sử sách ghi lại rằng vào thời nhà Đường, hoạn quan cực kì kiêu ngạo và hống hách. Chúng nắm trong tay quyền lực, có thể kiểm soát được cả triều đình. Vì sao hoạn quan nhà Đường lại vươn đến địa vị cao như vậy?
Trước tiên phải nói tới tầm quan trọng của hoạn quan vào thời nhà Đường. Không chỉ là nô tài phụ trách công việc hằng ngày của hoàng gia mà họ còn được hoàng đế cực kì tin tưởng, giao cho trọng trách thu thập tin tình báo, quản lý tài chính và vật dụng của cung điện. Như vậy, vừa nắm được bí mật của đất nước, lại vừa nắm được tài sản của đế vương, hoạn quan ngày càng giàu có và xây dựng được lực lượng của riêng mình, gia tăng quyền lực cũng như địa vị.
Chính vì thế, hoạn quan thời nhà Đường ngày càng trở nên kiêu ngạo, độc đoán, không coi ai ra gì. Chúng ra sức xu nịnh hoàng đế, phi tần, cả gan đối đầu, tranh giành quyền lực với các đại thần trong triều đình. Đây được xem là một hiện tượng lịch sử đặc biệt, phản ánh sự phức tạp của hệ sinh thái chính trị nhà Đường.