Từ bao lâu nay chúng ta vẫn thường quan niệm rằng đàn ông ăn nhiều đậu phụ và rau răm sẽ bị suy giảm sinh lý. Liệu thông tin này đã thực sự chính xác?
Đậu phụ
Đậu phụ là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Người ta thường rỉ tai nhau rằng trong đậu nành chứa isoflavone - chất có có chức năng như phytoestrogen (nội tiết tố nữ) nên khi đàn ông ăn nhiều thì sẽ bị "nữ hóa". Tuy nhiên, đây thực chất là một quan niệm sai lầm.
Đậu phụ vị ngọt, tính mát, giàu đạm thực vật, có nhiều công dụng như ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham. Cứ 100g đậu phụ sẽ có 34% là protein, ngoài ra còn chứa axit amin, khoáng chất, canxi,... Trên thực tế, lượng đậu nành hay chất isoflavone đều không ảnh hưởng đến mức testosterone ở nam giới. Thậm chí, đậu phụ còn giúp phòng ung thư vú khi trưởng thành, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm lượng cholesterol xấu (LDL), duy trì lượng cholesterol tốt (HDL), bẫy và tiêu diệt gốc tự do, bảo vệ và ngăn ngừa tổn thương gan do stress oxy hoá. Tuy nhiên, đậu có tính hàn nên khi nam giới ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới dương khí.
Rau răm
Rau răm là loại rau gia vị không thể thiếu khi chế biến các món ăn dân dã nổi tiếng của Việt Nam như trứng vịt lộn, nộm gà, canh chua cá đồng, cháo lươn, cháo trai, canh hến... Công dụng của nó là chữa bệnh tiêu hóa, thông tiểu, chống nôn hoặc dùng trong các bài thuốc chữa bụng đầy chậm tiêu, đầy hơi, tiêu lỏng, bí tiểu, phong thấp nhức mỏi, chàm lở, rắn cắn...
Rau răm tính nóng và có tinh dầu, vị hơi đắng và cay, mùi hơi hắc. Người xưa quan niệm nếu ăn nhiều loại rau này sẽ ảnh hưởng xấu tới khí huyết, giảm tinh khí, giảm ham muốn tình dục ở cả nam giới và nữ giới, ảnh hưởng khả năng sinh sản. Trên thực tế, loại rau này chỉ thường được dùng làm gia vị nên không ảnh hưởng gì tới chức năng sinh lý của nam giới, trừ khi ăn liên tục với số lượng nhiều (ít nhất 0,5kg/lần ăn).