Sự thật đằng sau việc thái giám thời xưa 5 thê 7 thiếp chẳng kém gì đàn ông bình thường
Dù mất đi khả năng của đàn ông nhưng thái giám vẫn cưới về nhiều thê thiếp, sự thật đằng sau là gì?
Trong hoàng cung của hoàng đế, thái giám được xem là lực lượng quan trọng, không thể thiếu. Họ là những người có xuất thân nghèo khó hoặc đơn độc, không chốn nương tựa, thậm chí là tội nhân vì muốn giảm nhẹ tội mà chấp nhận đảm nhiệm vị trí này. Để có thể thoải mái di chuyển trong cung, phục vụ hoàng đế cùng phi tần thì các thái giám buộc phải "tịnh thân", từ bỏ "của quý".
Làm thái giám tuy có bổng lộc, tiền tài gửi về cho bố mẹ ở quê hoặc tiết kiệm để an dưỡng tuổi già nhưng họ cũng phải chấp nhận chuyện mất đi khả năng sinh sản. Ấy vậy mà trong lịch sử vẫn ghi nhận vô số trường hợp thái giám lấy vợ, thậm chí còn 5 thê 7 thiếp chả kém gì đàn ông bình thường. Vì sao thái giám không thể quan hệ, sinh con nhưng vẫn lấy vợ?
Nguyên nhân đầu tiên là vì tâm lý. Thời phong kiến, việc lấy vợ là điều bắt buộc với nam nhân, người nào càng nhiều vợ thì càng chứng tỏ người đó có địa vị và tiền bạc. Thái giám dù mất đi thiên chức của đàn ông nhưng tư duy cố hữu của đàn ông đã ăn sâu trong tâm trí. Họ muốn lấy vợ để thể hiện địa vị của bản thân, chứng minh quyền lực, sự giàu có của mình.
Nguyên nhân thứ 2 là được đích thân hoàng đế ban hôn. Đây là một vinh dự to lớn không phải thái giám nào cũng được hưởng. Hầu như phải là thái giám cấp cao, thân cận với đế vương mới được ngài chỉ định. Việc hoàng đế ban vợ cho thái giám được xem như một hình thức trao thưởng đặc biệt, thể hiện sự yêu quý, trọng dụng với nô tài của mình.
Nguyên nhân thứ ba là bảo đảm tương lai khi đã ở tuổi xế chiều. Dù không thể làm chuyện vợ chồng nhưng nhiều thái giám vẫn muốn được gần gũi, an ủi để tránh cảm giác cô đơn khi về già. Nhiều người sau khi phục vụ trong triều đình hàng vài chục năm thì được về quê nhưng người thân khi đó đã không còn hoặc thất lạc hết. Có người vợ nâng khăn sửa túi, bầu bạn khi về hưu sẽ tốt hơn là đơn độc một mình.