Nhà giàu thời phong kiến thích nuôi kỹ nữ trong nhà: Không đơn giản chỉ để mua vui cho chủ nhân
Kỹ nữ thời xưa không chỉ có trong nhà thổ mà còn được 'nuôi' tại tư gia của nhà giàu. Sự tồn tại của họ không đơn thuần chỉ là 'mua vui' cho chủ nhân mà còn có những nhiệm vụ quan trọng khác nữa.
Thời phong kiến ở Trung Quốc, quan niệm trọng nam khinh nữ dẫn đến tư tưởng gia trưởng, phụ nữ bị coi thường, trở thành món "trang sức" cho đàn ông. Chính vì vậy mà những cô gái gia cảnh nghèo khó khi đến đường cùng chỉ có thể chấp nhận trở thành kỹ nữ "buôn phấn bán hoa", kiếm tiền nhờ mua vui cho đàn ông trong thiên hạ.
Chúng ta thường thấy kỹ nữ được nuôi trong nhà thổ nhưng trên thực tế, kỹ nữ cũng được nuôi tại tư gia. Tuy nhiên, để có thể nuôi được họ trong nhà thì chủ nhân buộc phải là quan chức, người có địa vị cao trong xã hội hoặc sở hữu gia sản lớn. Bởi, nuôi một cô gái xinh đẹp, trang nhã, thông thạo cầm kì thi họa không hề "rẻ". Nhà càng giàu thì càng sở hữu nhiều kỹ nữ. Họ không chỉ dùng những cô gái này để mua vui mà còn xem như "món quà" tặng cho khách khứa để tạo dựng quan hệ hoặc "biếu" người chức tước cao để cầu cạnh lợi ích.
Kỹ nữ của nhà giàu dù có cuộc sống "ăn trắng mặc trơn", không phải lo nghĩ về tiền bạc nhưng lại mất hoàn toàn tự do, không có tiếng nói, không được quyết định số phận của mình. Chưa kể, lúc còn xinh đẹp, trẻ trung đã khổ nhưng khi có tuổi họ còn khổ gấp ngàn lần khi hết giá trị, có người còn bị bỏ rơi không ai đoái hoài đến.
Tuy nhiên, vẫn có những kỹ nữ nhà giàu vang danh sử sách Trung Quốc, có số phận thay đổi ngoạn mục như Triệu Cơ (sau này là Đế thái hậu - mẹ của Tần Thủy Hoàng) và Vệ Tử Phu (sau này là Hiếu Vũ Vệ Hoàng hậu - Hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế Lưu Triệt). Thế nhưng họ chỉ là những trường hợp hi hữu trong lịch sử, còn hầu hết trong xã hội xưa, đã là kỹ nữ thì cuộc sống và tương lai sẽ không thể dễ dàng.