Mẹ ruột đại thi hào Nguyễn Du: Từ cô thôn nữ ngây thơ một bước thành trắc thất của Tể tướng 1 nước
Sinh ra con trai tài giỏi lẫy lừng, mẹ của đại thi hào Nguyễn Du là người ra sao khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Nguyễn Du là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt Nguyễn sơ ở Việt Nam, được người Việt tôn kính gọi là "Đại thi hào dân tộc" và UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Cha của ông là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), biệt hiệu là Hồng Ngự cư sĩ, đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại Tư đồ (Tể tướng). Giai thoại tình yêu của bố mẹ ông thú vị không kém gì những bộ phim truyền hình chúng ta thường xem.
Mẹ của Nguyễn Du tên Nguyễn Thị Tần, vốn là con gái của một Câu kế (kế toán) tên là Trần Ôn. Bà sở hữu nước da trắng hồng, gương mặt phúc hậu, tươi sáng và nụ cười rạng rỡ. Khi vừa tuổi đôi chín, bà được cha cho lên Kinh thành Thăng Long chơi. Trong lúc ghé thăm phủ quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm, vì cha bận việc nên Trần Thị Tần đã tự mình dạo chơi trong vườn, vừa tận hưởng hoa thơm cỏ lạ vừa se sẽ hát mấy câu quan họ.
Đúng lúc quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm tình cờ ngang qua, ngài cảm mến người con gái ngây thơ có vóc dáng thanh thanh và tiếng hát hồn nhiên. Sau khi phát hiện có người đến, Trần thị chỉ hơi thoáng giật mình nhưng không tỏ ra sợ hãi hay e dè. Cô thôn nữ trẻ nhoẻn một nụ cười chào ngài Tể tướng rồi vô tư hát tiếp. Khoảnh khắc gặp gỡ này khiến quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm nhanh chóng phải lòng, bất chấp lễ nghi, danh phận, chênh lệch tuổi tác (32 tuổi) mà hỏi cưới Trần Thị Tần về làm trắc thất (vợ ba).
Sau vài năm gả cho quan Tể tướng, vào năm 1765, bà Tần đã hạ sinh con trai đầu lòng Nguyễn Du. Người con trai này nhiều lần được mẹ cho về quê ngoại Bắc Ninh, thấm nhuần những câu hát quan họ từ bé. Chính vì vậy mà dù bà Trần Thị Tần qua đời sớm, khi Nguyễn Du mới 10 tuổi, nhưng ông ít nhiều cũng đã ghi nhớ những thanh âm quê hương, sau này biến nó trở thành chất liệu trong các tác phẩm thi ca của mình. Tuyệt tác Truyện Kiều của ông được đánh giá là có những dư âm của quan họ Kinh Bắc, ví dụ như câu thơ “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu”, “Khi tựa gối, khi cúi đầu/Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày” hay “Sinh rằng: Hay nói dè chừng/ Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?”...