Vì sao Càn Long ăn chơi hào phóng nhưng mỗi năm chỉ cho hoàng cung hàng ngàn người dùng 391 kg rượu?
Quy định của Càn Long nghe qua thì có vẻ bủn xỉn nhưng thực chất lại ẩn chứa thâm ý sâu xa.
Càn Long là một trong những hoàng đế nổi tiếng nhất thời nhà Thanh nói riêng và trong lịch sử Trung Quốc nói chung. Ông tuy mang tiếng là người ăn chơi trác táng nhưng lại cực kì thông minh. Sử sách ca ngợi ông là vị vua có năng lực và sự anh minh hiếm có trong các đời hoàng đế triều Thanh.
Là người đứng đầu 1 nước, phải lo đủ chuyện triều chính, đối nội đối ngoại nhưng không vì thế mà Càn Long lơ là chuyện nhỏ trong hoàng cung. Trong "Thanh hội yếu" có viết vào thời vua Càn Long, số lượng cung nữ và thái giám đã giảm xuống mức khoảng 3.000 người. Dù ít hơn triều Minh nhưng đây cũng là một con số không hề nhỏ. Ấy vậy mà Càn Long hạ một thánh chỉ đặc biệt về quy định dùng rượu trong hoàng cung. Theo đó, mỗi năm nơi đây chỉ được phép dùng 391 kg rượu, tuyệt đối không được vượt qua định mức này.
Rõ ràng 391 kg rượu cho hơn 3.000 người trong vòng 12 tháng là một con số quá ít ỏi. Tuy nhiên, đừng vội hiểu nhầm rằng Càn Long bủn xỉn, vị hoàng đế này đang cho thấy khả năng nắm bắt và xử lý mọi vấn đề vô cùng khôn ngoan. Bởi, thời xưa ngự thiện phòng - nơi chăm lo chuyện ăn uống cho hoàng đế - thường cố tình mua quá số lượng thực phẩm quy định để ăn bớt, đút túi riêng. Rượu dùng trong hoàng cung buộc phải do ngự thiện phòng ủ để đảm bảo an toàn nên một số hoạn quan đã lợi dụng khai man tiền nguyên liệu để trục lợi.
Càn Long trong một lần kiểm tra sổ cái ghi chép chi tiêu của ngự thiện phòng đã vô tình phát hiện ra mánh khóe tham ô này. Cụ thể, ông nhìn ra sự bất thường khi một buổi tiệc nhỏ có 10 người tham gia lại tiêu tốn tới 110kg rượu. Con số phi lí này đã dẫn một cuộc điều tra. Cuối cùng hoạn quan quản lý Trần Tiến Trung, La Minh Ngọc - những người liên quan đến vụ việc - đã bị phạt đánh 40 trượng, truy tố tội tham ô phi pháp và phải đi đày khổ sai ở biên cương. Chiếu chỉ hạn chế lượng rượu sử dụng trong hoàng cung chính là biện pháp ngăn chặn tham ô hữu hiệu và lời cảnh cáo của hoàng đế tới các thái giám trong cung.