Vị công chúa nước ngoài nào là kì tài huấn luyện voi, qua đời và được lập đền thờ ở Việt Nam?
Vị công chúa tài hoa này đã có nhiều công lao đối với nước ta thời Hậu Lê cả trong quân sự lẫn ngoại giao.
Vào thời Hậu Lê có một công chúa người Ai Lao (Lào ngày nay) vô cùng nổi tiếng. Đến thời nhà Nguyễn, nàng được sắc phong làm Nhồi Hoa công chúa. Theo Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình Nguyễn Xuân Khang, Ai Lao là quốc gia đã giúp đỡ Đại Việt rất nhiều trong công cuộc chống giặc phương Bắc. Nhồi Hoa công chúa được giao trọng trách giúp quân đội dưới thời vua Lê Thánh Tông (hiệu Hồng Đức (1460 - 1497) huấn luyện voi chiến.
Nhồi Hoa công chúa đã nhiệt tình giúp Đại Việt củng cố quân lực. Tuy nhiên, trên đường trở về Ai Lao, nàng không may bị bệnh nặng. Quan quân khi đó ai cũng lo lắng, hết lòng tìm thầy tìm thuốc chữa trị nhưng cuối cùng nàng vẫn không qua khỏi. Công chúa qua đời tại chân đồi Đền xã Phúc Lai. Vua Lê Thánh Tông ghi nhớ công ơn của công chúa đã ra lệnh cho hậu sự cho nàng thật chu toàn, đem nàng chôn cất ở đồi Đền, sát núi Mỏ Phượng (ngày nay gọi là đền Thượng).
Ở trong đền của Nhồi Hoa công chúa đến tận ngày nay vẫn lưu giữ 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn. Lăng mộ của nàng được đặt ngay cạnh đền vô cùng linh thiêng, dân chúng mỗi dịp mùng 1, rằm hoặc lễ Tết đều tới lễ xin bình an, may mắn. Không gian cổ kính với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như lim xanh, dã hương, thông, muỗm, sưa đỏ... khiến cho quang cảnh ngôi đền thêm phần huyền bí.
Qua thời gian, đền đã hư hại đi nhiều và được tu sửa nhiều lần. Để ghi nhớ công ơn của Nhồi Hoa công chúa, dân bản địa mỗi dịp tháng 3 Âm lịch sẽ tổ chức lễ hội với các hoạt động như múa chăm pa, lễ thành hoàng làng, giỗ lễ công chúa… để tưởng nhớ người con gái có công kết nối tình hữu nghị Việt – Lào. Đền thờ công chúa được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2007, hiện thuộc khu vực Quần thể danh thắng Tràng An - di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.