Nguyên mẫu lão Hạc theo đạo Công giáo, thọ 102 tuổi, thỉnh thoảng uống nước chè sáng với Nam Cao
Mỗi một nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao đều được ông lấy nguyên mẫu từ những người sống xung quanh mình và lão Hạc cũng thế.
Lão Hạc là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực Việt Nam, được Nam Cao viết vào năm 1943. Nội dung truyện đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám thông qua số phận đầy nghiệt ngã của nhân vật chính - lão Hạc.
Lão Hạc không phải sản phẩm của trí tưởng tượng mà được Nam Cao bê nguyên mẫu từ một người Công giáo mộ đạo tên Trùm San. Thầy giáo Trần Văn Đô, một người dân trong làng Đại Hoàng - nguyên mẫu làng Vũ Đại, được gọi là "pho sử sống về những nhân vật của Nam Cao trong đời thực", từng giải thích về tên của Trùm San rằng: "Không phải là ông trùm theo cách hiểu của phần lớn chúng ta ngày nay đâu, mà đó là cách gọi trưởng họ đạo của người Thiên Chúa giáo". "Gọi là trùm nhưng họ đều nghèo khó", ông nói thêm.
Được biết, nhà Trùm San chỉ cách nhà Nam Cao một ngõ. Ông rất yêu mến và kính trọng nhà văn nên không nề hà chuyện giúp đỡ Nam Cao chuyện này chuyện kia. Thỉnh thoảng tác giả Lão Hạc cũng mời người hàng xóm đáng quý này sang nhà uống nước chè xanh đặc vào buổi sáng. Trùm San có người con trai tên Thụ, thời trẻ bỏ nhà đi làm phu cạo mủ cao su rồi mất tích luôn, có thông tin là sau năm 1975 thì anh sống ở miền Nam, không có liên lạc gì với gia đình. Chi tiết này cũng được lão Hạc đem vào nhân vật con trai lão Hạc đi làm xa, để bố ngày đêm trông ngóng nhưng bặt vô âm tín.
Tuy nhiên, Trùm San thọ đến 102 tuổi, không hề ăn bả chó tự sát như trong truyện. Chi tiết này được Nam Cao lấy từ hoàn cảnh của Trùm Luông - một người đàn ông cũng có hoàn cảnh nghèo xơ xác, trong cơn cùng quẫn đã phải tìm đến cái chết bằng liều bả chó.