Giải mã bí ẩn về ngôi chùa cổ Hà Nội được cho là do Cao Biền xây dựng để trấn yểm nước ta
Cho đến ngày nay, những câu chuyện liên quan đến việc thầy phong thủy nổi tiếng bậc nhất phương Bắc là Cao Biền nhiều lần trấn yểm nước Nam vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng.
Trung Quốc là cái nôi sản sinh ra nhiều thầy phong thủy cao tay, trong đó không thể không kể đến Cao Biền (821 – 887). Họ Cao vón là một tướng lĩnh triều Đường, từng giữ chức Tiết độ sứ của trị sở Tĩnh Hải quân trong lịch sử Việt Nam. Để kìm hãm sự phát triển của nước ta, Cao Biền khi đó đã thực hiện nhiều thủ thuật trấn yểm vô cùng cao tay.
Tương truyền, hắn cho xây ngôi chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự) ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội để trấn yểm phong thủy, long mạch của nước Nam. Xét về độ cổ kính thì chùa Tây Phương chỉ đứng sau mỗi chùa Dâu của Bắc Ninh. Nó được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 và tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. "Sơn Tây địa chí" có ghi chép lời tấu của Cao Biền với vua Đường như sau: "Câu Lậu chi sơn, huyệt tại trung cấp thần dĩ tác tự dĩ yểm chi" (tạm dịch: Núi Câu Lậu có huyệt ở giữa, thần đã làm chùa yểm đi rồi). Sử liệu này khiến cho chùa Tây Phương được cho là nơi trấn yểm mà Cao Biền xây dựng lên. Thậm chí ghi chép trong "Phật lục" còn nhấn mạnh thông tin trên là sự thật.
Tuy nhiên, trong "Việt Nam cổ tập san" có đoạn ghi lại nhận định của KTS nổi tiếng Nguyễn Bá Lăng rằng ngôi chùa mà Cao Biền xây dựng được mô tả là "huyệt tại trung cấp" trong khi chùa Tây Phương lại nằm tít trên đỉnh núi. Ở lưng chừng núi Cao Lậu có một ngôi chùa tên Thanh Am phù hợp với miêu tả của Cao Biền hơn. Tuy nhiên, xét về niên đại thì chùa Thanh Am lại khác thời với Cao Biền.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc "đệ nhất cổ tự" Tây Phương có thực sự là ngôi chùa được Cao Biền xây dựng hay không. Khả năng được nhiều người đồng tình đó là chuyện Cao Biền xây chùa trấn yểm long mạch nước ta vốn không có thật vì chiếu theo sử liệu thì chẳng có ngôi chùa nào trùng khớp với mô tả trong đó.