Đời sống

Vết cày niên đại 7.000 năm thay đổi hiểu biết của con người về nền nông nghiệp châu Âu thời tiền sử

Vết cày lâu đời nhất lịch sử châu Âu đã hé mở ra nhiều điều thú vị và đáng kinh ngạc về nền nông nghiệp thời tiền sử ở châu lục này. 

Các cuộc khai quật tại địa điểm Anciens Arsenaux ở Sion, Thụy Sĩ đã thay đổi hiểu biết của con người hiện đại về nông nghiệp thời tiền sử ở châu Âu. Các chuyên gia đã tìm ra nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng những người nông dân thời kỳ đồ đá đã biết sử dụng sức kéo của động vật để vận hành máy cày từ khoảng 5.100 đến 4.700 năm trước.

Theo đó, các nhà khảo cổ tìm thấy các rãnh song song và dấu ấn trên mặt đất trùng khớp với những vết do máy cày kéo qua đất. Các dấu chân được phát hiện xung quanh cũng là dấu hiệu cho thấy con người thời xưa đã biết thuần hóa gia súc để phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Vết cày có niên đại 2.000 năm trước Công nguyên chỉ giới hạn ở một số khu vực ở Châu Âu

Trước đó, giới khảo cổ từng tìm thấy dấu tích về việc động vật được sử dụng để kéo các công cụ giống như cái cày tại các địa điểm ở Đan Mạch và miền bắc nước Đức, niên đại khoảng 3.700 năm. Về dấu cày 7.000 năm tuổi ở Sion, Canton of Valais, Thụy Sĩ, đến nay người ta mới chỉ ra được mức độ định cư tại địa điểm trải dài trong một phần đáng kể của thời kỳ đồ đá mới (khoảng 5200 đến 3500 trước Công nguyên). Các trầm tích phù sa xung quanh đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn hiệu quả dấu vết cổ xưa. 

Vết cày ở Sion

"Dấu cày là bằng chứng hữu hình, phổ biến và thuyết phục nhất. Chúng bao gồm các vết lõm tuyến tính chứa đầy trầm tích có kết cấu và màu sắc khác với trầm tích xung quanh. Những dấu hiệu như vậy có thể được theo dõi trên hàng chục mét để tạo thành các mạng lưới song song hoặc đan chéo nhau. Chúng ngụ ý việc sử dụng một công cụ cụ thể, như là tấm ván và lực kéo của một loài động vật mạnh mẽ như con bò chẳng hạn", các tác giả của nghiên cứu viết trong báo cáo. Phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ góp phần đảm bảo sự chính xác trong trong phán đoán của các nhà nghiên cứu.

Ảnh minh họa

Việc sử dụng sức mạnh động vật để kéo cày biểu thị một sự đổi mới đáng kể về công nghệ và văn hóa trong biên niên sử và sự phát triển của loài người. Sự tiến bộ này giúp nâng cao năng suất và thặng dư nông nghiệp, đồng thời cho phép canh tác trên diện tích lớn hơn nhiều. Rõ ràng, trong nhiều xã hội nông nghiệp sơ khai, sản xuất thặng dư được cho là đã góp phần vào sự phân tầng kinh tế và sự phức tạp của xã hội... Theo các tác giả của nghiên cứu, niên đại của các vết cày được phát hiện ở Sion đã thúc đẩy việc đánh giá lại các lý thuyết lâu đời liên quan đến tốc độ thâm canh nông nghiệp và ảnh hưởng của nó trong quá trình truyền bá nông nghiệp khắp Châu Âu thời kỳ đồ đá mới.

Nhóm khảo cổ hiện có kế hoạch tiến hành các cuộc khai quật bổ sung ở các môi trường núi cao tương tự trên khắp Thụy Sĩ  và Ý. Nghiên cứu này nhằm mục đích điều tra sâu hơn về nguồn gốc của việc sử dụng sức kéo động vật trong nông nghiệp và cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc về các hoạt động nông nghiệp ban đầu của con người thời kỳ đồ đá mới.