Đời sống

Tấm đất sét niên đại 3.300 năm ẩn chứa bí mật về cuộc vây hãm và cướp bóc ở 4 thành phố của người Hittite

Tấm đất sét niên đại 3.300 năm ẩn chứa bí mật về cuộc vây hãm và cướp bóc ở 4 thành phố của người Hittite

Một tấm đất sét 3.300 năm tuổi được khai quật ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ đã hé lộ câu chuyện về cuộc xâm lược tàn khốc của nước ngoài vào Đế chế Hittite trong thời kỳ nội chiến căng thẳng.

Vào tháng 5/2023, tấm bảng có kích thước bằng lòng bàn tay được tìm thấy giữa đống đổ nát của Büklükale, cách Ankara, thủ đô Thổ ​​Nhĩ Kỳ khoảng 37 dặm (60km) về phía đông nam. Theo như nội dung giải mã được từ các chữ viết nêm trên tấm đất sét thì khi cuộc nội chiến của người Hitite diễn ra, thế lực xâm lược được cho là đã hỗ trợ một trong các phe tham chiến. 

Tấm đất sét 3.300 năm tuổi

Tấm bảng này là tấm hoàn chỉnh đầu tiên so với những tấm được phát hiện trước đó. Người phát hiện ra nó là nhà khảo cổ học Kimiyoshi Matsumura thuộc Viện Khảo cổ Anatolian của Nhật Bản. Việc người Hittite sử dụng ngôn ngữ Hurrian để khắc lên tấm bảng cho thấy vai trò quan trọng của tấm bảng khi ghi lại một nghi thức thiêng liêng được thực hiện bởi quốc vương Hittite. Vị tri phát hiện tấm bảng cũng đưa ra khả năng nơi này chính là nơi ở của hoàng gia, xếp ngang hàng với thủ đô Hittite là Hattusa, nằm cách đó khoảng 70 dặm (112km) về phía đông bắc.

Bản đồ về đế chế Hittite

Theo bản dịch của Mark Weeden, phó giáo sư chuyên về ngôn ngữ Trung Đông cổ đại tại Đại học College London, sáu dòng chữ hình nêm đầu tiên trên tấm bảng được khắc bằng ngôn ngữ Hittite, có nội dung than thở về tình trạng thảm khốc của "bốn thành phố, bao gồm cả thủ đô, Hattusa" khi bị xâm lược, 64 dòng tiếp theo được viết bằng ngôn ngữ Hurrian, tạo thành một lời cầu nguyện, mong muốn nhận được sự trợ giúp thần thánh để chiến thắng kẻ thù.

Người Hittite có gốc là người Anatolia cổ đại đã gây dựng lên một đế chế của riêng mình với thủ đô được đặt tại Hattusa ở Anatolia Bắc Trung Đông từ khoảng năm 1600 TCN. Theo báo cáo của Arkeonews, đến năm 1450 TCN, họ đã nổi lên như một cường quốc hàng đầu của khu vực và xung đột giữa đế chế này với người Ai Cập cổ đại diễn ra vào năm 1274 TCN (trận  Kadesh ở gần Homs, Syria ngày nay) được xem là một trong những trận chiến sớm nhất thời cổ đại.

Ảnh minh họa

Sự biến mất của Đế chế Hittite khỏi các ghi chép lịch sử xảy ra vào đầu thế kỷ 12 trước Công nguyên, trùng với thời điểm Thời đại đồ đồng muộn bị sụp đổ và nhiều nền văn minh cổ đại trên khắp khu vực Địa Trung Hải rơi vào tình trạng hỗn loạn. Một số nền văn minh quan trọng bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ này bao gồm người Hittite, người Mycenaean, người Minoan, người Canaan và Vương quốc Mới của Ai Cập cổ đại. Các yếu tố dẫn đến sự sụp đổ là chủ đề của nhiều nghiên cứu, thủ phạm được cho là các cuộc xâm lược, di cư, hạn hán, bất ổn, xung đột nội bộ, điều kiện kinh tế xấu đi và một số thay đổi về công nghệ, văn hóa.