Đời sống

Dịch Covid-19: Khi sự cực đoan hóa được 'lên men' bởi nỗi sợ hãi

 

Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, đó là điều không cân phải bàn cãi thêm nữa. Nhưng Covid-19 ngoài khả năng gây cúm cho con người với tốc độ chóng mặt thì còn lây lan sự sợ hãi với tốc độ còn lớn hơn nữa.

Chủng mới của virus corona còn nghiễm nhiên trở thành cái cớ để kỳ thị, dè bỉu bất cứ ai “giống Tàu” kể từ khi dịch bệnh nổ ra, thậm chí còn có những biểu hiện thóa mạ chủng tộc. Người Trung Quốc ban đầu trở thành nạn nhân. Sau đó người Nhật Bản và Hàn Quốc cũng “chung số phận”. Không chỉ ở châu Á, mà Covid-19 còn gây nên những sự kỳ thị, tấn công người châu Á ở cả châu Âu, Italia là nơi ghi nhận nhiều vụ tấn công người Trung Quốc nhất và giờ đây họ đang trở thành tâm dịch của châu Âu, nghiễm nhiên họ cũng “được” trải nghiệm cảm giác bị kỳ thị như một triệu chứng đi kèm của Covid-19.

Người ta có thể lý giải một cách sặc mùi bao biện rằng việc kỳ thị tấn công ở trên là do nỗi sợ. Khi sợ hãi nuốt chửng lý trí, phần con trỗi dậy lấn át phần người. Nhưng ngay cả những người không sợ và lý trí (có vẻ) tỉnh táo cũng miệt thị các nạn nhân như thường.

Nực cười nhất là nhiều người Việt Nam, môi còn chưa khô nước bọt câu “virus không phân biệt, chẳng chừa ai cả đâu”, câu sau đã hả hê lí giải việc người Trung Quốc bị phân biệt đối xử: “Do ăn ở thôi” – họ lên lớp dạy bảo người khác như đã hấp thụ hết tinh hoa kiến thức nhân loại.

Có lẽ họ quên mất ý nghĩa thật sự của hai chữ “nạn nhân”: những người không may gặp nạn.

Hãy nghĩ đến nếu một ngày nào đó, có thể do “cách bạn bước chân trái ra khỏi nhà” hoặc bất cứ lí do “duy tâm” nào đó, bạn bị bệnh, nhà bị cháy, hoặc người thân nào đó của bạn bị những thứ tương tượng, bạn sẽ nghĩ gì khi những người thông thái đầy hiểu biết nhắn nhủ mình “hãy xem lại ăn ở”?

Người ta có thể đổ thừa con virus cúm chủng mới này cướp đi cái vòng tròn sáng trên đầu họ. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Chính các thiên tai dịch bệnh, những tai họa không may xảy ra, dù lớn hay nhỏ, mới là thứ soi sáng nhất các khoảng tối nhập nhằng trong tư duy của mỗi người về thế giới này. “Hãy đợi khi thủy triều xuống, bạn sẽ biết ai đang cởi truồng”.

Xã hội luôn tồn tại loại tư duy xem mình là cái rốn của vũ trụ, và mọi thứ khác đều phải xoay vần phục vụ cái rốn vĩ cuồng đó.

“Kẻ thù hóa” mọi thứ trong cơn sợ hãi

Con người trong khoảng 2 thế kỷ trở lại đây ngây ngất với khái niệm “làm chủ thiên nhiên”, và mỗi khi Thiên Nhiên nhắc nhở lại loài người về sự yếu đuối và bất lực của họ thì nỗi bất an trỗi dậy và niềm sợ hãi ngập tràn. Khi đó, ngay cả những điều phi lý nhất cũng bị bình thường hóa. Mọi lý tưởng về tự do, hòa bình bác ái đều dễ dàng được nhét vào thùng rác với các lý tưởng tốt đẹp khác, mọi thứ xâm phạm đến cảm giác an toàn tức thời đều bị coi là kẻ thù. Trong logic của họ khi ấy, họ thuần túy là nạn nhân và hoàn toàn chính đáng “tự vệ khẩn cấp”.

Mớ bòng bong chính đáng/ phi lý đã đủ rối ren trong đủ thứ khái niệm nhân loại ra để bao bọc hoặc biện minh cho mình. Nó càng trở nên kỳ cục khi cái mũ trên được chụp lên cả những đối tượng, thậm chí là sự vật, nằm ngoài cái mớ bòng bong đó.

Đây giống như một cú “lật mặt” ngoạn mục trong tư duy, ít nhất là so với tổ tiên của chúng ta chỉ vài thế kỉ trước đây. Trong một thời gian rất dài, con người vẫn luôn xem những thứ như lửa, nước, trời, đất… là “thần”.

Động đất, núi lửa, mưa bão, sấm chớp, lũ lụt, hỏa hoạn… là do các vị “thần đất”, “thần lửa”, “thần núi”, “thần nước”, “thần sấm”, “thần sông” đủ loại gây ra. Mọi thứ thiên tai nằm ngoài hiểu biết của con người đều có bàn tay của các vị thần. Bản thân từ “thiên tai” cũng đã có ý này – tai họa từ trên trời rớt xuống.

Để giờ đây, từ những sự kiện như một quả táo rơi vào đầu một người đàn ông, sau đó nhờ vào một người đàn ông Do Thái bị “chậm phát triển” mà nhân loại trong 2 thế kỷ qua đã đạt được sự thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử hàng ngàn năm tồn tại (cần nhớ rằng từ thế kỷ 17 trở về trước, gần như không có sự khác biệt hay chênh lệch về mức sống giữa Á-Âu) và với những công cụ mới tạo ra, họ nghiễm nhiên cho rằng mình đã làm chủ được thiên nhiên, thiên nhiên phải phục tùng con người. Còn lại những thứ không thể chế ngự thì được coi như kẻ thù mà sớm muộn cũng sẽ bị đánh bại.

Thiên nhiên từ vai “thần” bị giáng cấp xuống làm “kẻ ngáng đường”.

Các loại dịch bệnh bí hiểm mà từ xa xưa vẫn còn bị xem là hậu quả của thần linh nổi giận (như “thần ôn dịch”), giờ đây cũng trở thành “kẻ thù” nốt.

Mọi thứ trái với ý muốn của nhân loại đều cần bị “ xóa bỏ”.

Một đứa trẻ con đang bắt đầu tìm hiểu thế giới thường lầm lẫn rằng mọi thứ xung quanh phải hoạt động theo ý nó. Một người lớn có chút hiểu biết lại hay lẫn lộn giữa những thứ luật lệ của mình đặt ra với những quy luật vận động của tự nhiên.

Những đứa trẻ rất nhanh hiểu ra vấn đề, rằng tự nhiên hóa ra không phục vụ cho riêng mình, mà ngược lại, muốn tồn tại, mình phải hòa hợp với tự nhiên, tuân theo những quy luật của nó.

Trong khi đó rất nhiều người lớn, với hiểu biết nửa vời về thế giới, lại cực kỳ tự tin cho rằng ta đã biết hết biết đủ, sẵn sàng dùng đủ mọi cách để cưỡng ép tự nhiên phải “cúi đầu”.

Vậy giờ đây, tự nhiên có cúi đầu trước con người không? Chỉ cần hỏi những vi sinh vật tí hon là đủ.

Có vấn đề gì với chuyện đó nào?

Có rất nhiều. Nhưng trong khuôn khổ câu chuyện này, hãy chỉ tập trung vào tình hình dịch bệnh đang khiến nhiều người lo lắng.

Hãy nhìn “công bằng” với Covid-19

Các loài virus đã tồn tại từ khi sự sống bắt đầu, thậm chí có những giả thuyết, như bài viết được đăng trên tạp chí khoa học Nature đề cập, cho rằng virus xuất hiện trước cả khi tế bào sống được hình thành. Nhưng mãi đến tận thế kỷ 19 người ta mới có ý thức về sự tồn tại của thực thể sống này, bắt đầu từ “Lý thuyết vi trùng lây bệnh” (Germ Theory of Disease) của Robert Koch và Louis Pasteur. Đến thế kỷ 20, khi kính hiển vi điện tử được tạo ra, người ta mới lần đầu nhìn thấy được hình dạng của virus.

Môi trường sống quanh ta ngập tràn không chỉ virus mà còn có hàng tỷ vi sinh vật đủ loại, lơ lửng khắp mọi nơi, ở mọi chỗ ta có thể hình dung.

Vậy đâu là nơi các vi sinh vật tồn tại nhiều nhất? Một trong số đó chính là cơ thể của chúng ta. Một số nghiên cứu đã ước tính số lượng tế bào của các vi sinh vật trong cơ thể người nhiều hơn ít nhất là 10 lần so với lượng tế bào của người.

Đa số các vi sinh vật có tinh thần “hòa bình” với cơ thể vật chủ (hoặc có lẽ chính xác hơn, chúng ta cộng sinh với chúng). Con người thường chỉ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các vi sinh vật mới.

Suốt hàng triệu năm qua, con người vẫn luôn phải “chào đón” những vi sinh vật mới trong môi trường tự nhiên tới trú ngụ trong cơ thể. Và hàng triệu năm là thời gian đủ dài để những vi sinh vật và cơ thể người “bắt tay” với nhau, từ giết nhau đến tìm cách chung sống hòa hợp, đôi bên cùng có lợi.

Quá trình thích nghi này bị đốt cháy giai đoạn khi chỉ trong hai trăm năm qua, dân số tăng đột biến từ một tỷ vào năm 1800 đến gần tám tỷ vào thời điểm hiện tại. Từ một tỷ lên gần tám tỷ, trong chỉ hơn hai trăm năm. 

Dù các nhà đấu tranh vì môi trường có thể gây tranh cãi ở nhiều quan điểm, nhưng có một điểm là chúng ta phải thừa nhận là tốc độ xâm lấn của con người đối với môi trường sống của các loài khác tăng chóng mặt trong hai thế kỷ qua ( chủ yếu là phá rừng), dù giờ đây đang dần được phục hồi nhờ tiến bộ khoa học công nghệ nhưng chúng ta vẫn chưa thể đưa về “nguyên trạng”. Các vi sinh vật vốn dĩ xưa nay chỉ sống yên ổn trên cơ thể những loài vật khác trong tự nhiên, nay được, hoặc buộc phải tiếp xúc với vật chủ mới – chính là con người. Và nó dẫn tới đủ loại bệnh.

Đó không nhất thiết là các loại bệnh mới. Nhưng mức độ phát triển kinh tế, giao thương, vận tải của xã hội hiện đại khiến khả năng lan truyền của nó gấp nhiều lần so với trước kia.

Khi mức độ lây lan được nhân rộng, khả năng biến hóa của các loài vi sinh vật gây bệnh cũng nhanh gấp nhiều lần so với trước. Các vi sinh vật chỉ mất chừng vài chục phút, thậm chí ít hơn, để tạo ra một thế hệ mới. Càng có nhiều vật chủ – những môi trường màu mỡ để sinh sôi – chúng càng biến hóa phát triển.

Các loại virus cúm thuộc họ corona là một trường hợp biến đổi chóng mặt giống vậy. Chỉ trong vài chục năm kể từ những chủng corona đầu tiên được phát hiện và gây cúm trên người, chúng đã liên tục tạo ra những giống mới từ SARS đến MERS và giờ là COVID-19.

Việc Covid-19 có phải là sản phẩm của con người như các thuyết âm mưu được lan truyền hay không thật ra không có ý nghĩa gì nhiều trong việc tìm cách ngăn chặn loại virus này hay bất cứ loại virus nào khác.

Các loại virus đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục biến đổi từng giờ từng phút để thích nghi với cơ thể con người.

Tuy vậy, đừng nên ảo tưởng rằng những con virus này “mê mẩn” con người, và rằng cơ thể nhân loại là thứ gì đó đặc biệt mà chúng muốn chiếm hữu.

Trên thực tế, cơ thể con người chỉ là một trong vô số những môi trường sống mà virus corona hay bất kỳ loại vi sinh vật nào khác có thể “bám” vào. Cũng giống con người, bản năng cơ bản nhất của virus là tồn tại và chúng chỉ có một bản năng này. Để tồn tại chúng phải tìm cách thích nghi với môi trường sống mới. Trong quá trình đó nếu “lỡ” để vật chủ chết, đó chỉ là “tai nạn”, vì việc đó không có lợi gì cho chúng.

Đây là cơ chế mà hàng tỷ loại vi sinh vật, trải qua một thời gian rất dài tiến hóa thích nghi, có thể cộng sinh với các tế bào sống bên trong chúng ta.

Mọi sinh vật, từ bé tí tẹo đến to tổ bố, đều tuân theo các quy luật đơn giản của sự sống, của tự nhiên.

Con người không có gì đặc biệt để tự xem mình là ngoại lệ, lại càng không có tư cách lẫn năng lực đặt ra luật lệ để những sinh vật khác tuân theo.

Con người không hề “lép vế” trước Virus

Phân tích ở trên giúp ta hiểu được rằng sự tồn tại là mục đích nền tảng của mọi vi sinh vật, hay mọi loài sinh vật nói chung, do đó quá trình  “tiến hóa, thích nghi và cộng sinh” là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, bảo vệ sự sống của bản thân là chuyện khác.

Trước khi đạt đến điểm “cộng sinh”, không sinh vật nào muốn phải trở thành “vật tế” cả. Nếu như quá trình này là chuyện đương nhiên của tự nhiên thì chuyện cơ thể con người hay bất cứ sinh vật nào đều có khả năng “tự vệ” cũng tương tự như thế, đây là phần tất yếu của bản năng sinh tồn.

Cơ thể con người có một hệ thống chống dịch tinh vi, phức tạp và cực kỳ hiệu quả. Kể từ sinh học lớp 8 chúng ta đã biết điều này.

Nhưng cũng có thể vì nó quá hiển nhiên, mà nhiều người thường quên mất một sự thật đơn giản: đó là hệ thống duy nhất bảo vệ được con người.

Điều này có nghĩa là, nếu hệ miễn dịch bên trong cơ thể suy yếu và bị vượt qua, sự sống của con người chắc chắn chấm dứt.

Điều đơn giản này thường bị bỏ quên vì ảo tưởng của nhân loại trước “trí tuệ ngạo nghễ” của mình: các loại máy móc thiết bị tối tân, những thứ thuốc thần kỳ đặc hiệu, cùng những bàn tay phẫu thuật tài hoa vi diệu.

Sự thật là tất cả những điều đó đều chỉ đóng vai phụ. Nhân vật chính bảo vệ sự sống của mỗi người là hệ miễn dịch của bản thân mỗi người.

Các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, tế bào ung thư…) chỉ có thể phá hoại nếu chúng trốn được khỏi sự truy sát của hệ miễn dịch. Những loại thuốc có tác dụng nhất trong việc bảo vệ cơ thể là các loại có thể trợ giúp hệ miễn dịch hồi phục hoạt động, hoặc huấn luyện cho hệ miễn dịch nhận ra các tác nhân đó và đánh chặn ngay từ đầu (như nguyên lý hoạt động của vaccines).

Như trong đại dịch Covid-19 lần này, những trường hợp “chữa khỏi” được ghi nhận thực chất là việc trợ giúp hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt để đánh bật virus. Thậm chí trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không cần chữa vẫn có thể tự khỏi, không phân biệt tuổi tác.

Tất nhiên, khi đối diện với dịch bệnh, hệ miễn dịch và các hoạt động điều trị y tế chỉ là một phần của câu chuyện.

Một loại bệnh được gọi là dịch khi nó có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Một khi lây lan nó sẽ gây họa tức thời cho những người có hệ miễn dịch kém, có sẵn bệnh lý khác trong người. Sự lây lan không kiểm soát đồng thời cũng tạo môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật sinh sôi tiến hóa với tốc độ chóng mặt, khiến cả những người có hệ miễn dịch tốt cũng trở thành mồi ngon bị tấn công.

Vì vậy đối với dịch bệnh, người ta cần phải kiểm soát sự lây lan. Hay nói đơn giản, phải cách ly những người nhiễm bệnh.

Yếu tố quan trọng nhất khi cách ly là thời gian: càng sớm càng tốt. Cách ly ngay khi vừa phát hiện bệnh để tránh lây nhiễm.

Ai có thể phát hiện bệnh sớm nhất? Không phải nhân viên y tế, không phải lực lượng an ninh, không phải máy quét nhiệt độ và tất nhiên cũng không phải bà hàng xóm.

Là bản thân người bị nhiễm.

Ngay cả trong trường hợp người nhiễm không có triệu chứng nên không biết mình có bệnh, họ vẫn là những người biết rõ nhất khả năng mình có thể bị nhiễm hay không.

Khi các thông tin về dịch bệnh được phổ biến chính xác, nhanh chóng, và minh bạch không giấu giếm, bản thân mỗi người sẽ nắm rõ nhất nguy cơ của mình và từ đó hợp tác với cộng đồng để phòng tránh lây lan.

Chìa khóa quan trọng nhất ở đây là “hợp tác”.

Người ta chỉ có thể hợp tác khi thấy có lợi ích của mình trong đó. Không ai chịu hợp tác khi thấy mình hoặc người thân có thể trở thành đối tượng bị kỳ thị xa lánh.

Có nên “cực đoan hóa” việc chống dịch?

Liệu chúng ta có thể chống dịch với tư tưởng cực đoan không? Câu trả lời ngắn gọn là có.

Vấn đề là cái giá phải trả, và ai phải trả cái giá đó.

Có một chuyện trào phúng về phương pháp tối thượng trị bất kỳ loại virus, vi khuẩn nào. Bí quyết khi bị nhiễm là cứ việc nhịn ăn nhịn uống hoàn toàn. Sau vài tuần chắc chắn con virus cứng đầu cỡ nào cũng chết. (Và bạn cũng thế)!

Tương tự với chuyện chống dịch. Người ta hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp thiết quân luật, phong thành nghiêm ngặt. Cô lập tất cả những ai ở vùng dịch bệnh. Xua đuổi, thậm chí săn đuổi những người thoát ra từ các vùng đó, cho dù không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Nhốt tất cả lại. Ai có hệ miễn dịch kém thì chết, ai hệ miễn dịch tốt thì tự khỏi.

Bạn có thể phản bác rằng những hành động này không phải xuất phát từ sự kỳ thị xa lánh người bệnh, đó là do không muốn lan truyền mầm bệnh hay tâm lý hoảng sợ tự phát của mọi người.

Vấn đề ở đây là nếu ta dùng tư duy “kẻ thù hóa” một cách cực đoan nhất để chống lại những vi sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường, vậy thì làm gì tồn tại lí lẽ để người ta không xa lánh kỳ thị nạn nhân, xem những người không may bị nhiễm Covid-19 cũng là “đồng minh của kẻ thù”?

Giống như câu nói: Khi bạn đang khoác một chiếc áo dính phân, mọi thứ xung quanh đều bốc mùi hết. Khi bạn đang mang nặng tư tưởng kỳ thị thiển cận, bất cứ ai cũng có thể trở thành “kẻ thù” đe dọa tới bạn.

Người ta sẽ dễ dàng bỏ qua thực tế rằng bản chất của chống dịch là chuyện cứu chữa giúp người.

Nếu ai đã từng quan sát phòng cấp cứu của bất kỳ bệnh viện nào cũng sẽ nhận ra mức độ khẩn trương, các thao tác chính xáchoạt động phối hợp liên tục kịp thời trong đó.

Khi trọng tâm được đặt vào việc cứu chữa sinh mạng của người khác, tất cả những người tham gia đều tự động hợp tác với nhau, làm mọi thứ có thể để giúp người.

Đó lẽ nào không phải là yêu cầu của chống dịch? Và liệu người ta có cần phải dùng tư duy coi tất cả những thứ liên quan tới bệnh dịch như “kẻ thù” để làm được điều đó?

Tất nhiên có sự khác biệt trong vai trò giữa những người lãnh đạo quốc gia, đội ngũ y tế và người dân bình thường, đặc biệt khi đối diện với thiên tai địch họa.

Lãnh đạo, trong trường hợp này giống như huấn luyện viên, sẽ quyết định các chơi của đội bóng.

Hãy xem thử cách Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore “chỉ đạo đội bóng” đảo quốc trong cơn dịch trên khía cạnh truyền thông, mà cụ thể ở đây là MXH.

Ngay khi Singapore phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 23/1/2020, Thủ tướng Lý Hiển Long đã liên tục dùng Facebook cá nhân của ông để truyền tải thông tin đến người dân.

Ông Lý có hơn 30 lần đăng bài cập nhật các thông tin diễn biến dịch bệnh trong một tháng qua, cách thức chính phủ đang đối phó, những việc mà mọi người dân nên và không nên làm.

Trong tất cả những lần phát ngôn đó, cả bằng bài viết lẫn các video, ông luôn tránh dùng các từ “mạnh mẽ” gây sốc. Ông gọi hoàn cảnh hiện tại là “thử thách” (challenge), “thời điểm khó khăn” (trying time) hay cả “những ngày mưa gió” (rainy day).

Thủ tướng Lý liên tục nhấn mạnh thông điệp đừng để nỗi sợ hãi lấn át lý trí của mình, kêu gọi người dân bình tĩnh và tiếp tục sinh hoạt bình thường.

Trong video phát biểu đăng tải ngày 8/2/2020, ông còn chia sẻ dự báo từ các chuyên gia rằng nếu tình hình dịch bệnh vượt ngoài kiểm soát, sẽ phải đến lúc chúng ta thay đổi chiến thuật đối phó. Thay vì cách ly tất cả các ca nhiễm bệnh, nguồn lực sẽ chỉ được tập trung cho những đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất (trẻ em, người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh). Mọi người sẽ phải học cách sống chung với con virus mới, như những con virus chủng corona khác trước giờ.

Nghĩa là cho dù có “húng” đến đâu, sẽ phải tới lúc nào đó người ta không còn có thể xem đại dịch này là “cuộc chiến”, các con virus là “kẻ thù” bằng mọi giá phải tiêu diệt.

Đại dịch lần này có thể sẽ còn diễn biến nghiêm trọng, lây nhiễm cho thêm nhiều người, nhưng cần phải nhớ rằng những đợt thiên tai dịch bệnh kế tiếp luôn có thể ập đến.

Khi thiên nhiên thay đổi (như đã từng trong suốt lịch sử tồn tại kể từ thời điểm hình thành sự sống đầu tiên trên Trái Đất), con người sẽ phải học cách thay đổi hoàn toàn tư duy của mình với các đồng loại, và đặc biệt là với thế giới tự nhiên.

Chúng ta sẽ phải tự ruồng bỏ cái ảo tưởng vĩ cuồng rằng có thể “chế ngự”, hay thậm chí “làm chủ” tự nhiên.

Nếu không sớm thay đổi tư duy, chính con người sẽ biến thành “kẻ thù của tự nhiên”. Nhưng trước khi thảm họa này giáng xuống, nhân loại hoàn toàn có thể “chủ động kết liễu” bằng sự sợ hãi và thiển cận của mình.

 

Giữa ' tâm bão' Covid-19, nữ bệnh nhân Hàn Quốc gây phẫn nộ khi nhổ nước bọt vào mặt nhân viên y tế

(Techz.vn) Trong bối cảnh dich bệnh covid-19 bùng nổ tại Hàn Quốc, hành động nhổ nước bọt vào nhân viên y tế của 1 nữ bệnh nhân nhiễm covid-19 gây ra làn sóng phẫn nộ không chỉ tại Hàn Quốc mà trên toàn thế giới.