Đời sống

Sự tích thú vị về Thần Tài, lý do đặt tỏi lên ban thờ Thần Tài giúp chiêu tài, giải vận xui

Những thông tin thú vị xoay quanh ngày Thần Tài chắc chắn sẽ khiến nhiều người tò mò, thích thú. 

Mỗi dịp mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, người dân lại nô nức cúng Thần Tài để xin tiền bạc, giàu sang, may mắn. Tuy nhiên, có không ít người không biết sự tích thú vị về vị thần này. Chúng ta thường thấy tượng Thần Tài hay còn gọi là Tài Bạch Tinh Quân hoặc Triệu Công Nguyên Soái có ngoại hình phúc hậu với chòm râu dài, luôn nở nụ cười, xung quanh toàn tiền vàng, châu báu. 

Tượng Thần Tài 

Theo truyền thuyết Trung Hoa thì có 5 vị Thần Tài tương ứng với 5 hướng Đông Tây Nam Bắc và Trung tâm. Họ là: Trung Bân Tài Thần Vương Hợi - vua đời thứ 7 của nước Thương thời nhà Hạ (Trung tâm); Văn Tài Thần Tỷ Can -  nhà chính trị lỗi lạc bậc nhất thời nhà Thương bị Trụ Vương hại chết theo lời xúi giục của Đát Kỷ (Đông); Phạm Lãi - người yêu Tây Thi, trung thần của Việt Vương Câu Tiễn (Nam); Võ Tài Thần Quan Công - "võ thánh" Trung Quốc (Tây); Triệu Công Minh - Tông chủ đời thứ 5 họ Triệu, một trong Lục khanh nước Tấn thời Xuân Thu (Bắc). 

Bàn thờ Thần Tài và Thổ Địa 

Ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, ông Thần Tài được thờ chung bàn thờ với ông Địa và lễ vật thờ cúng cũng giản dị, không cầu kì câu nệ. Ngày mùng 10 tháng Giêng cúng Thần Tài thực ra có nguyên gốc là ngày vía đất ở miền Nam (mùng 9 vía trời mùng 10 vía đất). Tuy nhiên theo thời gian, không biết từ lúc nào mà người dân hình thành thói quen mua vàng để "lấy vía". 

Cúng tỏi trong ngày Thần Tài 

Ngoài hoa quả, bánh kẹo thì khi cúng Thần Tài nên đặt nguyên bó hoặc một đĩa tỏi có 5 củ tươi nguyên, đẹp mã. Theo phong thủy, tỏi giúp Thần Tài và Thổ Đĩa dễ dàng xua đuổi vong binh, giúp đường tài vận của gia chủ hanh thông, gia đình an yên, êm ấm. Tỏi vừa chống ma quỷ lại vừa giúp mang lại sự hưng thịnh nên bàn cúng Thần Tài nên đặt kèm tỏi.