Mỹ tuyên bố không điều quân đến Ukraine, giao 'trọng trách' đảm bảo an ninh Ukraine cho châu Âu
Động thái của Mỹ cho thấy nước này ngày càng 'xa cách' với 'đồng minh' sau khi thỏa thuận khoáng sản với Ukraine không được như ý.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đưa ra quan điểm chính thức của Mỹ về việc có đưa quân sang Ukraine hay không. Ông khẳng định: "Quân đội Mỹ sẽ không hiện diện trên lãnh thổ Ukraine". "Thật đáng khích lệ khi thấy các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố 'chúng tôi sẵn sàng can thiệp ở Ukraine và giúp đảm bảo an ninh'. Chúng tôi hoan nghênh điều đó", ngài Bộ trưởng nói thêm.

Tờ Wall Street Journal trước đó đã đưa tin về việc Thủ tướng Anh Keir Starmer có thể gửi bản dự thảo kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Pháp tại Ukraine cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 27/2 tới đây. Hai nước này muốn nhận được sự hỗ trợ quân sự của Mỹ trong trường hợp lực lượng gìn giữ hòa bình của họ rơi vào tình huống nguy hiểm.

Trước động thái của Anh và Pháp, Nga cũng tỏ thái độ phản đối gay gắt. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng việc các nước châu Âu điều quân đến Ukraine với mực đích "giữ gìn hòa bình châu Âu" không phải là hành động hòa bình mà là một bước đi hướng tới leo thang xung đột với Nga.

Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông trước đó đã tuyên bố rằng một thỏa thuận chấm dứt xung đột Nga - Ukraine có thể đạt được "trong tuần này". Mỹ cũng tự tin sẽ đạt được thỏa thuận khoáng sản với Ukraine và mong muốn có một mối quan hệ hợp tác kinh tế bền chặt với "người anh em" Ukraine. Trong khi Ukraine tràn đầy lo lắng thì các cuộc đàm phán thời gian qua giữa hai cường quốc Nga - Mỹ dường như lại khá suôn sẻ.