Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông, Trư Bát Giới thông thạo 36 phép, vậy Sa Tăng biết bao nhiêu?
Xét trên cạn Sa Tăng có thể thua Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới nhưng nói về chiến đấu dưới nước thì hắn trên hai sư huynh của mình một bậc.
Trong Tây Du Ký, Sa Tăng dù là tam đồ đệ của Đường Tăng, xuất hiện xuyên suốt trong hành trình thỉnh kinh nhưng lại khá "im hơi lặng tiếng", không được chú ý nhiều như đại sư huynh Tôn Ngộ Không và nhị sư huynh Trư Bát Giới. Tuy nhiên, nhân vật này lại có xuất thân không hề tầm thường.
Sa Tăng từng là Quyển Liêm Đại tướng - chức quan coi việc trông rèm, trông sa giá cho Ngọc Hoàng Đại Đế. Vì say rượu vô tình là vỡ chén lưu ly ở Hội Bàn Đào mà đã bị đày xuống sông Lưu Sa làm yêu quái. Trước khi được Bồ Tát giao phó nhiệm vụ phò giá Đường Tăng để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra, Sa Tăng từng 9 lần ăn thịt Đường Tăng ở 9 kiếp trước.
Trong nguyên tác, hắn từng nói với Quan Thế Âm Bồ Tát rằng: "Ta ở nơi đây đã ăn thịt vô số người, từ trước đến giờ những người đi qua đây đều bị ta ăn thịt. Phàm là đầu lâu còn sót lại, ta đều ném xuống sông Lưu Sa này, và chúng đã chìm hết xuống đáy. Nước con sông này lông ngỗng cũng không thể nổi lên, nhưng kỳ lạ, chỉ có chín cái đầu lâu của người đi lấy kinh này, là nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không chìm xuống. Ta cho rằng đây là những vật lạ, nên đã lấy dây xâu lại thành một chuỗi vòng đeo lên cổ, để khi rảnh rỗi lấy ra xem".
Dù là yêu quái lợi hại nhưng so với hai sư huynh của mình, pháp thuật của Sa Tăng vẫn phải dưới một bậc. Nếu Tôn Ngộ Không thông thạo 72 phép thần thông, Trư Bát Giới có 36 phép thiên cang địa sát thì Sa Tăng sở hữu 18 phép biến hóa. Vũ khí quen thuộc của Sa Tăng chính là một cây bảo trượng hàng yêu nặng 5.048 cân, có tên là Nguyệt Nha San. Dù không mạnh bằng hai sư huynh trên cạn nhưng dưới nước thì Sa Tăng lại giỏi chiến đấu hơn.
Sa Tăng là một nhân vật siêng năng, cần mẫn, tuy nhiên lại là người có phần ba phải, "ngại" đấu tranh với cái xấu. Điển hình là khi biết Trư Bát Giới đổ oan cho Tôn Ngộ Không giết dân lành, Sa Tăng đã không bênh vực mà im lặng khiến đại sư huynh bị đuổi về Hoa Quả Sơn. Dẫu vậy, cuối cùng Sa Tăng vẫn tu thành chính quả, được Phật Tổ Như Lai phong làm Kim Thân La Hán (La Hán Mình Vàng).