Đời sống

Thị xã nào ở Hà Nội là nơi duy nhất lên thành phố rồi lại xuống thị xã, sản sinh 2 vị vua nổi tiếng?

Thị xã đặc biệt này được xem là 'đất hai vua' khi có tới 2 vị vua cực kì nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam được sinh ra ở đây. 

Thị xã Sơn Tây được xem là cửa ngõ phía tây của thủ đô Hà Nội, phía đông giáp huyện Phúc Thọ, phía tây giáp huyện Ba Vì, phía nam giáp huyện Thạch Thất và phía bắc giáp huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với sông Hồng là ranh giới tự nhiên. 

Bản đồ địa lý của thị xã Sơn Tây

Trong thư tịch cổ có ghi chép lại rằng khởi nguồn của cái tên Sơn Tây là từ năm 1469, khi trấn sở Sơn Tây đóng ở xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay thuộc, Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội) hay còn gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên được thành lập. Sau đó vào thời vua Lê Cảnh Hưng, vì ngập lụt liên miên mà  trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm).

Năm 1942, thực dân Pháp đổi tỉnh lỵ thành thị xã Sơn Tây nhưng đến tháng 6/1965, Chính phủ nước ta ra quyết định sáp nhập thị xã Sơn Tây cùng với các huyện của tỉnh Sơn Tây với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Vào năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định chuyển thị xã Sơn Tây cùng một số huyện của tỉnh Hà Sơn Bình về TP. Hà Nội. Nhưng đến tháng 10/1991, thị xã Sơn Tây lại được tách ra rồi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Tây.

Quang cảnh thị xã Sơn Tây từ trên cao nhìn xuống

​Ngày 13/4/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 655/QĐ-BXD công nhận thị xã Sơn Tây là đô thị loại III. Hơn 1 năm sau đó, vào ngày 02/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/NĐ-CP về việc thành lập TP. Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây. TP. Sơn Tây sau đó đã được trở về Hà Nội nhờ Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 01/8/2008. Vào ngày 8/5/2009, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyển TP. Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây thuộc TP. Hà Nội. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại thì thị xã Sơn Tây là thị xã duy nhất của Việt Nam từng lên thành phố rồi lại xuống thị xã. 

Ngày nay, nơi đây có tổng diện tích tự nhiên là 113,46km2, dân số khoảng 240.000 người. Không chỉ có kinh tế phát triển mà văn hóa lịch sử ở thị xã Sơn Tây cũng được xem là "mỏ vàng" của cả nước. Vùng đất này trải qua nhiều thế kỉ đã tích lũy được trầm tích văn hoá, lịch sử giàu có, đa dạng, độc đáo. Chỉ tính riêng xứ Đoài đã có tới 193 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, di tích lưu niệm cách mạng, kháng chiến và hơn 300 ngôi nhà cổ, trong đó có 68 di tích được xếp hạng cấp tỉnh thành phố (53) và cấp quốc gia (15).

Một góc làng cổ Đường Lâm

Đáng chú ý, thị xã Sơn Tây được mệnh danh là "đất hai vua" khi sản sinh ra hai vị vua vô cùng nổi tiếng là Phùng Hưng - thủ lĩnh cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Đường ở Việt Nam thời Bắc thuộc lần thứ ba (602-905) - và Ngô Quyền - người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam.