Vén màn nội dung bên trong cuộn giấy cói Herculaneum từ 2.000 năm trước bằng công nghệ AI
Những bí mật bên trong cuộn giấy cói Herculaneum cho đến nay vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người yêu thích khảo cổ trên khắp thế giới.
Một nhóm các nhà nghiên cứu sinh viên đã kết hợp lập bản đồ 3D với AI để giải mã một cuộn giấy cói Hy Lạp xuất hiện trong vụ phun trào núi Vesuvius năm 79 sau Công nguyên. Nội dung bên trong là tư tưởng của người Hy Lạp về sự phức tạp của “niềm vui”. Trong thế giới Hy Lạp cổ đại, “niềm vui” không chỉ là thoáng qua mà nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm các sinh viên là Youssef Nader, Luke Farritor và Julian Schilliger đã sử dụng AI để giải mã cuộn giấy cói bị hư hỏng. Phát hiện của họ đã giành được giải thưởng lớn trị giá 700.000 USD trong Thử thách Vesuvius.
Về cơ bản, nhóm nhà nghiên cứu trẻ đã kết hợp các ứng dụng lập bản đồ 3D và AI để xâm nhập thành công khối đá núi lửa đen đã bao bọc một cuộn giấy cói bên trong trong suốt gần 2.000 năm, kể từ khi núi Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Cuộn giấy cói Herculaneum không chỉ được nhóm nghiên cứu giải mã được hơn “85% ký tự được minh họa trong bốn đoạn, mỗi đoạn có 140 ký tự”, mà còn bao gồm thêm 11 cột văn bản, nâng tổng số ký tự lên đến khoảng 2000 ký tự.
Văn bản tiết lộ những suy nghĩ cá nhân của nhà triết học Philodemus, một triết gia của trường phái Epicurean, về niềm vui bắt nguồn từ thực phẩm và các hàng hóa khác. Ông nhấn mạnh niềm vui là mục tiêu chính của cuộc sống, sự khan hiếm hoặc dồi dào của những mặt hàng này đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hạnh phúc của chúng ta.
Ngoài ra, người ta lưu ý rằng trong văn bản cách đây hai thiên niên kỷ của ông, dường như có một cuộc tấn công tinh vi vào trường phái triết học Khắc kỷ, mỉa mai họ "không có gì để đóng góp về niềm vui". Trong khi Chủ nghĩa Khoái lạc tập trung vào việc theo đuổi niềm vui và sự yên tĩnh, coi chúng là mục tiêu cuối cùng trong cuộc sống thì ngược lại, Chủ nghĩa Khắc kỷ lại nhấn mạnh đức tính là điều tốt đẹp nhất, ủng hộ sức mạnh nội tại và sự xuất sắc về mặt đạo đức để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Sau khi hoàn thành Thử thách Vesuvius, nhóm sinh viên hiện lên kế hoạch “mở rộng quy mô kỹ thuật quét 3D và phân tích kỹ thuật số”, đồng thời chú ý đến chi phí phân tích. Nghe có vẻ như giải thưởng 700.000 đô la là một chiến thắng lớn, nhưng chưa chắc đã đủ để mở rộng việc nghiên cứu sâu rộng hơn trong tương lai. Bởi, họ tiêu tốn 100 USD cho mỗi centimet vuông đá được phân tích, con số này lên tới từ 1 triệu đến 5 triệu USD cho mỗi cuộn giấy. Như vậy, muốn giải mã 800 cuộn giấy cói khác cần đến số tiền ước tính là từ 800 triệu đến 4 tỷ USD.