Loại cholesterol nào có thể 'lén lút' gây hại cho sức khỏe mà con người không thể phát hiện ra?
Loại cholesterol di truyền có nguy cơ gây ra đau tim, đột quỵ vô cùng nguy hiểm vì khó kiểm tra ra và không thể tác động bằng việc tập thể dục.
Hàng triệu người Mỹ sinh ra đã có khuynh hướng di truyền với mức độ cực cao của một loại cholesterol gây ra các cơn đau tim và đột quỵ chết người ở tuổi trung niên, tuy nhiên họ hầu như luôn không nhận thức được mối nguy hiểm đó.
Cholesterol được gọi là lipoprotein (a) hoặc Lp (a). Giống như lipoprotein mật độ thấp – LDL, hay cholesterol “xấu” – nó dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Nhưng Lp(a) còn có một "mánh khóe" thứ hai khiến nó nguy hiểm hơn, đó là gây ra cục máu đông. Và không giống như LDL, nó hoàn toàn do di truyền, có nghĩa là chế độ ăn uống và tập thể dục không thể tác động đến đến mức Lp(a).
Có tới 64 triệu người Mỹ có mức Lp(a) tăng cao. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh này, mặc dù nó phổ biến nhất ở những người gốc Phi và Nam Á. Xét nghiệm cholesterol trong máu định kỳ có thể không thấy được Lp(a), phần lớn là do không có phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng này. Tương tự như các dạng cholesterol cao khác, Lp (a) cao không có triệu chứng.
Ngày nay có một số loại thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng để giúp chống lại tình trạng trên. Một trong những loại thuốc thử nghiệm đó có tên là pelacarsen của nhà sản xuất thuốc Novartis. Các nghiên cứu trước đây cho thấy nó làm giảm đáng kể mức Lp(a) ở 98% số người dùng. Câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu hiện nay là liệu Lp(a) thấp hơn có thực sự làm giảm các cơn đau tim, đột quỵ sớm hay không.
Tuy nhiên, thay vì chờ đợi loại thuốc mới thì chúng ta có thể chủ động phòng chống bằng cách duy trì cân nặng bình thường, tập thể dục thường xuyên, ngừng hút thuốc và ăn chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.