Khoa học thưởng thức

Tây Du Ký: Chuyện đời vất vả của tác giả và những hoài nghi được 'Tôn Ngộ Không' làm sáng tỏ

 

Là một trong những tiểu thuyết kinh điển, nổi tiếng bậc nhất tại Trung Quốc, Tây Du Ký luôn khẳng định sức cuốn hút với nhiều lứa tuổi độc giả. Cùng với sự thành công của phim truyền hình Tây Du Ký 1986, tiểu thuyết cùng tên càng gây tò mò cho khán giả, không chỉ về nội dung mà còn về cuộc đời của tác giả Ngô Thừa Ân. 

Tranh vẽ khắc họa lại chân dung của Ngô Thừa Ân

Ngày sinh tháng mất của Ngô Thừa Ân cho đến nay vẫn chưa rõ. Nhiều người nói ông sinh năm 1500, mất năm 1580, nhưng nguồn tin khác nói ông sinh năm 1506, mất năm 1582. Ngô Thừa Ân hiệu là Nhữ Trung, Xạ Dương Sơn Nhân (Xạ Dương là tên của địa danh quê hương). Ông là người huyện Sơn Dương, phủ Hoài An (thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô ngày nay). Ông nội của Ngô Thừa Ân làm một chức quan rất nhỏ. Cha của Ngô Thừa Ân là Ngô Nhuệ, vì gia cảnh bần hàn nên mưu sinh bằng nghề bán tơ lụa.

"Cha đẻ" Tây Du Ký là người thông minh, ham học hỏi, đặc biệt ông đọc nhiều sách, thích chuyện dã sử và chịu ảnh hưởng của văn học dân gian. Ngô Thừa Ân từng viết trong Ngu Đỉnh ký: “Từ nhỏ đã rất thích nghe ngóng những thông tin ly kỳ. Khi đi học thì hay trốn ra ngoài sưu tầm những truyện truyền miệng hay dã sử, sợ cha biết được sẽ vứt hết đi, nên thường trốn vào chỗ không có người để đọc”. Dù văn hay chữ tốt nhưng đường thi cử của ông sau này lại khá lận đận. Năm Gia Tĩnh thứ mười (khoảng 1532), ông đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi Khoa khảo và Tuế khảo, cùng bạn bè đi Nam Kinh để thi Hương. Nhưng sự tài hoa của Ngô Thừa Ân không giúp ông đỗ đạt trong kỳ thi ấy. Cha ông qua đời mà vẫn ôm sự tiếc nuối về đường khoa bảng của con. Ba năm sau, ông tiếp tục thi cử nhưng bảng vàng vẫn không có tên Ngô Thừa Ân. Hai lần thi Hương đều trượt, cùng cái chết của người cha khiến Ngô Thừa Ân buồn tủi đến uất hận, lâm bệnh nặng.

Khi cha mất, Ngô Thừa Ân gánh trên vai trọng trách cơm áo gạo tiền cho gia đình. Quá cùng quẫn, 51 tuổi, Ngô Thừa Ân tới Nam Kinh tìm việc nhưng không được toại nguyện. Ông từng được nhận một chức quan nhỏ, nhưng không chịu được cảnh luồn cúi nên chẳng bao lâu sau đã từ quan. Lục Tiểu Linh Đồng đã viết trong sách Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du rằng: “Nếm trải đến bội thực những cay đắng của xã hội, ông bắt đầu tỉnh ngộ, suy nghĩ triệt để mọi vấn đề, đồng thời dùng thơ văn của mình để đấu tranh cho sự bất công của xã hội bấy giờ”.

Ngô Thừa Ân có rất nhiều tác phẩm để đời, có thể kể đến Thụy Long ca, Nhị Lang sưu sơn đồ ca… Vũ Đĩnh chí (tiểu thuyết thần tiên ma quái) cũng nhận được đánh giá cao. Di cảo còn lại của ông sau này được tập hợp trong bộ Xạ Dương tiên sinh (gồm 4 quyển). Dù cuộc sống chật vật, Ngô Thừa Ân phấn đấu hoàn thành tác phẩm Tây Du Ký. Tuy thi cử lận đận, cuộc đời không có địa vị cao quý, song ông để lại cho đời sau một tác phẩm kinh điển, lưu truyền hậu thế sau này.

Tuy nhiên, theo "Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng, việc một số người cho rằng có thể Tây Du Ký không phải do Ngô Thừa Ân viết ra xuất phát từ việc bản thảo chép tay của bộ sách không ghi tên tác giả. Có người cho rằng Lý Xuân Phương (chủ nhân Hoa Dương Động Thiên) - một đại quan, bạn của Ngô Thừa Ân - là tác giả của Tây Du Ký. Tuy nhiên, trên sách chỉ đề “chủ nhân Hoa Dương Động Thiên hiệu”. Như vậy, vai trò của Lý Xuân Phương chỉ là “hiệu đính”, không phải người viết ra, cũng không phải người biên tập tác phẩm.

Tuy nhiên, cũng có nguồn cho rằng Tây Du Ký do Khưu Xứ Cơ viết (Khưu Xứ Cơ là một đạo sĩ, thành lập Toàn Chân long môn phái, sinh năm 1142, mất năm 1227). Lục Tiểu Linh Đồng bác bỏ giả thuyết này: “Bản thân Khưu Xứ Cơ không hề viết Tây Du Ký, nhưng đệ tử của ông đã viết bộ Trường Xuân chân nhân Tây Du Ký, cuốn sách ghi chép lại toàn bộ những gì đã nghe thấy của người đệ tử đó khi đến Tây vực”. Người vào vai Tôn Ngộ Không cho rằng tác phẩm ấy là một cuốn dy ký ghi chép về vùng địa lý phía Tây.

Cuốn "Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du" do Lục Tiểu Linh Đồng chắp bút

Lục Tiểu Linh Đồng đã bác bỏ giả thuyết Tây Du Ký có trước khi Ngô Thừa Ân sinh ra. Bởi, theo ông, tác phẩm xuất hiện thời Minh sơ, không thể ra mắt sớm hơn (đời Nguyên) được. Những tiểu thuyết sớm nhất của Trung Quốc là Tam quốc chí (La Quán Trung) và Thủy hử (Thi Nại Am) cũng đều xuất hiện vào đời Minh sơ. Ông viết: “Nhìn từ góc độ lịch sử phát triển của trường thiên tiểu thuyết Trung Quốc, nó không thể xuất hiện trước đời nhà Minh. Tây du ký là tác phẩm theo loại hình có chương mục, hơn nữa hồi mục lại sắp xếp rất cầu kỳ. Điều này không thể có được những năm đầu đời nhà Minh sơ, do đó tác giả của Tây du ký phải là người sống ở sau thời kỳ này”.

"Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng cũng dẫn chứng cứ từ Lỗ Tấn để khẳng định Tây du ký là của Ngô Thừa Ân. Lỗ Tấn từng phát hiện trong Hoài An phủ chí quyển 19 năm Khởi Thiên cuối thời Minh có một cuốn Hoài hiền thư mục (mục lục ghi lại tên những tác phẩm do những tiền bối vùng đất Hoài An viết). Trong mục lục này, bên dưới tên của Ngô Thừa Ân có ghi ba chữ “Tây du ký”. Xét trong nội dung tiểu thuyết Tây du ký có sử dụng nhiều phương ngữ vùng Hoài An - quê hương của Ngô Thừa Ân. Điều đó góp phần khẳng định tác phẩm Tây du ký là của Ngô Thừa Ân.

 

Công chúa thị phi nhất Tây Du Ký: Lộ tin nhắn bán dâm, dàn dựng hãm hại bạn trai cũ

(Techz.vn) Là công chúa được khán giả vô cùng yêu thích trong Tây Du Ký, thế nhưng cuộc sống ngoài đời của Kim Xảo Xảo lại đầy thị phi và tai tiếng.