Đời sống

Sự thật clip thầy giáo phát mỗi học sinh 1 triệu ăn Tết: Tất cả không phải tiền túi của thầy giáo

Sau khi đoạn clip phát tiền cho học sinh viral mạng xã hội, thầy giáo trong clip đã phải lên tiếng đính chính thông tin sai lệch bị lan truyền. 

Mới đây, mạng xã hội không khỏi xôn xao trước đoạn clip thầy giáo cầm xấp tiền phát cho mỗi em học sinh 1 triệu đồng để ăn Tết. "Toàn bộ đều là tiền của thầy dành riêng cho bọn nhỏ vì cái chữ mà phải xa nhà lâu ngày, tài chính thầy mạnh là một chuyện nhưng chuyện to lớn hơn cả là tình thương thầy dành cho mấy đứa, chẳng điều gì có thể đong đếm được", người đăng clip viết. Được biết, đây là một lớp thuộc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Krông Nô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). 

Ảnh cắt từ video 

Sau khi clip viral trên mạng xã hội, Hiệu trưởng của trường là ông Lê Công Trình vào hôm 17/1 đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận. Ông cho biết đây chỉ là clip vui do một học sinh lớp 12 đăng lên với mục đích đùa vui còn số tiền thực tế không phải tiền túi của thầy giáo mà là tiền chế độ (bằng 80% mức lương tối thiểu của nhà nước) của các em học sinh trường dân tộc nội trú. Thầy chỉ là người lĩnh hộ và phát lại cho các em.

Thầy hiệu trưởng nói rõ: "Vào tháng 7-2024, mức lương cơ sở có tăng. Mới đây, số tiề.n này mới được ngân sách bổ sung nên trường tiến hành phát tiền truy lĩnh cho các em. Một số giáo viên sẽ phát số tiền này trực tiếp cho phụ huynh trong buổi họp vào tuần sau, riêng lớp 12 thầy giáo có phát trước cho các em".

Thầy giáo xuất hiện trong clip là thầy Nguyễn Văn Lợi (chủ nhiệm lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Krông Nô). Về đoạn clip truyền tải thông tin không đúng sự thật, thầy đính chính: "Tôi không biết các em đã quay clip, đăng lên mạng xã hội cho đến sáng nay mới thấy rất nhiều người gọi điện hỏi. Riêng em học sinh đăng lên mạng xã hội cũng nhắn tin xin lỗi tôi vì em chỉ muốn đăng lên cho vui, có kỷ niệm thời học sinh nhưng không ngờ clip lại lan truyền nhanh chóng như vậy. Tôi cũng nhẹ nhàng nói học sinh rút kinh nghiệm, không nên đăng clip có thông tin không chính xác lên mạng xã hội, tránh bị suy diễn".