Sau khi trở thành thường dân, cuộc sống của Phổ Nghi quả thực trôi qua không mấy dễ dàng.
Phổ Nghi (1906 - 1967) là Hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc. Đăng cơ khi mới lên 3, ông bị ép thoái vị vào ngày 12/2/1912, đặt dấu chấm hết cho lịch sử vương triều phong kiến kéo dài hơn 2.000 năm của xứ sở tỷ dân. Tuy nhiên, phải đến năm 1959, ông mới thực sự quay trở về cuộc sống tự do, buộc phải làm quen với cuộc sống đời thường của một công dân thời đại mới.
Phổ Nghi có chia sẻ trong cuốn tự truyện “Nửa đời trước của tôi” rằng sau khi trở thành người bình thường, mong muốn đầu tiên của ông là được cắt tóc. Ngồi vào tiệm tóc, đối mặt với những món đồ lạ lẫm, ông không khỏi hiếu kì nên đã hỏi người chủ tiệm về chiếc máy sấy được đặt trên kệ. Phổ Nghi tỏ ra hứng thú, tiếp tục hỏi rằng sấy tóc trước hay cắt tóc trước khiến người này vô cùng kinh ngạc. Người thợ liền hỏi: "Ông chưa đi cắt tóc bao giờ?".
Món vật dụng bình thường khi đó đâu ai ngờ lại khiến Phổ Nghi vui vô cùng. Nghe tiếng máy sấy hoạt động trên đầu, thổi tung những sợi tóc đen, Phổ Nghi cảm thấy mới lạ. Cuộc sống cung cấm đã khiến ông bị "thụt lùi" so với thời đại, không thể tự mình khám phá những điều thú vị bên ngoài. Sau khi nhận công việc đầu tiên trong đời là làm nhân viên chăm sóc cây cảnh ở vườn thực vật, ông đã nhận được mức lương 60 NDT (hơn 200.000 đồng).
Đến mãi sau này, cảm giác xúc động, rưng rưng khi cầm khoản tiền do chính mình làm ra vẫn in sâu trong tâm trí ông. Được bạn bè dẫn đi mua sắm bằng tháng lương đầu tiên, Phổ Nghi mua đồ ngọt và kẹo để ăn và mang về làm quà cho gia đình (em gái). Ông ngày trước dù làm vua nhưng lại không được ăn uống theo ý mình nên nhiều món kẹo ngon chưa từng thấy qua. Chưa kể sau này cuộc sống hội nhập, càng có nhiều loại kẹo mới khiến ông muốn thử hơn.