Đời sống

Danh tính nữ Đại tá quê Nam Định là Anh hùng LLVT Nhân dân đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng

Danh tính nữ Đại tá quê Nam Định là Anh hùng LLVT Nhân dân đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng

Trong quá trình hoạt động tình báo, bà từng bị mật vụ Mỹ bắt và tra tấn dã man. Người phụ nữ nhỏ bé dù trải qua đủ đau đớn vẫn quyết không khuất phục. 

Bà Đinh Thị Vân (1916-1995) là một nữ tình báo nổi tiếng, cũng là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà tên thật là Đinh Thị Mậu, quê ở làng Đông An, tổng Cát Xuyên, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường (nay là làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường), tỉnh Nam Định. Mồ côi bố khi còn nhỏ, bà Vân cùng anh em ruột được một tay ông nội Đinh Mẫn Cấp nuôi dạy. 

Ảnh thẻ căn cước của bà Đinh Thị Vân (1954) - Tư liệu của ông Đinh Quang Như (Nam Định)

Bà Vân có 2 người anh cùng cha khác mẹ tên Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự. Họ đều là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động cách mạng vô cùng tích cực. Năm bà Vân 17 tuổi, hai người anh này đã vận động em gái tham gia hoạt động cách mạng. Kể từ đó, bà Vân giữ nhiều vai trò quan trọng như giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng, là thành viên của nhóm "Ái hữu tương tế", nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng hoạt động tại địa phương. Cũng trong thời điểm này, bà gặp gỡ và lấy một người đàn ông cùng quê, từ đó tên gọi cũng đổi theo tên chồng thành Đinh Thị Vân. 

Tháng 8/1945, bà giữ vai trò cán bộ Việt Minh huyện Xuân Trường, góp công lớn trong việc vận động người dân tham gia tổng khởi nghĩa ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Khi Cách mạng tháng 8 thắng lợi, bà tiếp tục cùng các đồng chí của mình xây dựng chính quyền mới ở huyện Xuân Trường. Gần 1 năm sau, vào ngày 30/6/1946, nữ tình báo quê Nam Đinh khi đó 30 tuổi đã chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đảm nhiệm vị trí Huyện ủy viên huyện Xuân Trường, Ủy viên ban Thường vụ Phụ nữ cứu quốc tỉnh Nam Định, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định (1951-1953).

Bà Vân trong một buổi họp ở miền Đông Nam bộ

Tháng 6-1954, bà Đinh Thị Vân được điều động công tác tại Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ của bà khi hoạt động tình báo ở Hà Nội là gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch. Trước hoàn cảnh mẹ già, chồng đau ốm, bà Vân đã hi sinh hạnh phúc của bản thân, đích thân cưới vợ cho chồng để bản thân chuyên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. 1 năm sau, tức là năm 1955, bà Vân được điều động vào Nam hoạt động. Đến cuối năm 1954, người nữ tình báo đã bị mật vụ Mỹ bắt và tra tấn dã man. Chúng dùng đủ mọi cực hình khiến bà chết đi sống lại. Có một câu chuyện vô cùng cảm động về sự kiên trung bất khuất của bà Vân, đó là khi địch giật điện bắt bà khai, bà nghiến răng đáp lại: "Mày cứ quay điện đi, quay nữa đi, quay cho tao chết đi, tao không sợ. Bỏ đây tao quay cho". Dứt lời, bà giật dây chuyền, bông tai ném xuống đất, cầm lấy bình quay tít, người bung khỏi ghế, đầu lao xuống nhà, lịm đi. Có những lúc giặc hành hạ quá dã man, bà vẫn thì thầm: "Bác ơi, dẫu cháu có phải chết, cháu cũng sẽ đứng vững, sẽ xứng đáng là người đảng viên của Đảng do Bác sáng lập".

Sau này khi chính phủ ngụy quyền liên tục đảo chính, ba Vân đã thoát ra khỏi nhà tù và tiếp tục xây dựng mạng lưới tình báo. Mạng lưới của bà đã cung cấp những thông tin quan trọng như: Số lượng quân Mỹ vào miền Nam; Cách bố trí giữa quân Mỹ và quân ngụy, hỗn hợp quân Mỹ-ngụy; Kế hoạch xây dựng nghĩa quân, địa phương quân của địch trên 43 tỉnh, thành miền Nam; Chiến dịch “ba mũi tên tìm-diệt” của Mỹ-ngụy; Âm mưu phá cơ quan đầu não Việt cộng trong chiến dịch Gian-sơn Xy-ti;... Đặc biệt, bà chính là người điều tra tỉ mỉ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1959 - 1960.

Với những công lao, đóng góp to lớn với nền độc lập dân tộc, ngày 25/8/1970, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân và là anh hùng đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng. Ngoài ra, bà còn được nhà nước tặng thưởng Bà được Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Tên của bà Đinh Thị Vân được đặt cho một đường phố tại phường Hạ Long, thành phố Nam Định và một con đường tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.