Câu đối nào của Càn Long khiến đại thần bó tay, duy chỉ có một người phụ nữ thường dân đáp được?
Ngay cả Kỷ Hiểu Lam thông minh, hiểu biết cũng phải 'á khẩu' trước câu đối của Càn Long.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Càn Long nổi danh là vị vua sống xa hoa, lãng phí. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng dù ăn chơi tới đâu thì ông vẫn luôn là người thông minh và rất ham học hỏi. Tầm hiểu biết của vị hoàng đế này không thua kém bất cứ đại thần nào, thậm chí còn uyên thâm hơn nhiều lần.
Trong một lần đi vi hành với các đại thần, trong đó có cả Kỷ Hiểu Lam - vị quan thông minh, chính trực "trên cơ" Hòa Thân, Càn Long tức cảnh sinh tình liền ra một vế đối ca ngợi cảnh non nước hữu tình như sau: "Động trung tuyền thủy lưu bất tẫn" (tạm dịch là: Nước suối trong hang chảy bất tận). Sử liệu ghi chép về sự kiện này có viết Kỷ Hiểu Lam và các đại thần ai nấy đều "á khẩu" trước câu đối của vua, không ai đáp lại được.
Phải một lúc lâu sau mới có một vị quan đối lại rằng: "Sơn gian thanh phong nghênh diện lại" (tạm dịch: Gió từ trên núi đang thổi tới). Nghe qua có vẻ hợp lý nhưng ý nghĩa lại không sát với câu đối của Càn Long nên vua đã không chấp nhận.
Giứa lúc mọi người đang bối rối vì không tìm được lời đối vừa ý hoàng đế thì một người phụ nữ tiến tới và đáp: "Cao sơn ngọc thụ vạn niên thanh" (tạm dịch là: Cây trên núi cao vạn năm xanh). Điểm đặc biệt trong câu đối này chính là cụm từ "vạn niên thanh" vừa chỉ một loại cây, vừa mang nghĩa trường tồn, hoàn toàn khớp với từ "bất tận" trong câu của vua. Dùng từ cao siêu, hàm ý ngợi ca sự trường tồn của triều đại nhà Thanh đã khiến cho hoàng đế và các đại thần vô cùng kinh ngạc.
Danh tính của người phụ nữ thường dân này khiến hậu thế vô cùng tò mò vì vào thời đó, có rất ít phụ nữ am hiểu thi thư vì quan niệm trọng nam khinh nữ, phụ nữ không được đến trường học. Đáng tiếc là trong sử liệu không ghi rõ về lai lịch của cô nên giai thoại về người phụ nữ này đến nay vẫn là bí ẩn.