Đời sống

Càn Long hào phóng với mẹ, cung phụng đủ thứ ngoại trừ 1 điều đại kị tuyên bố ngay khi mới đăng cơ

Càn Long nổi tiếng là ông vua hiếu thảo, nghe lời mẹ, tuy nhiên có một điều đại kị vị vua này quyết không để mẹ can dự, từng thẳng thừng tuyên bố ngay khi vừa đăng cơ. 

Nói về vị hoàng đế hiếu thảo trong lịch sử phong kiến Trung Quốc thì không thể không nhắc đến Càn Long. Mẹ ông là Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, phi tần của Thanh Thế Tông Ung Chính đế. Sử sách ghi nhận bà là người thọ nhất trong số các Hoàng Thái hậu của nhà Thanh khi sống đến lúc 86 tuổi. Sở dĩ bà thọ đến vậy phần lớn là vì được con trai Càn Long vô cùng cung phụng, cho mẹ địa vị tối cao và ban tặng mọi thứ vinh hoa phú quý trên đời. 

Chân dung mẹ con Sùng Khánh Hoàng Thái hậu - Càn Long

Tương truyền, Càn Long hào phóng với mẹ đến mức khi ngân khố eo hẹp, bản thân phải sống đạm bạc, tiết kiệm nhưng không tiếc tiền tổ chức tiệc sinh nhật hoành tráng cho Sùng Khánh Hoàng Thái hậu. Để những người già cầu phúc cho mẹ được sống thọ, Càn Long sai người tìm nhiều người già rồi cho bạc để họ quỳ lạy mẹ mình trên đường trở về cung. Hay mỗi lần đi du ngoạn Giang Nam, Càn Long đều khuyên nhủ mẹ đi cùng vì sợ bà cô đơn trong cung cấm. Là vị vua oai nghiêm nhưng ông không bao giờ bắt mẹ phải khép nép trước mình, ngay cả đưa thứ gì cho Sùng Khánh Hoàng Thái hậu cũng luôn dùng cả hai tay.

Sùng Khánh Hoàng Thái hậu sống thọ vì được Càn Long cung phụng, chăm sóc hết mực

Hiếu thảo là một chuyện nhưng Càn Long lại cực kì rạch ròi. Ông có thể cho mẹ mọi thứ ngoại trừ quyền lực. Ngay từ khi mới đăng cơ, vị hoàng đế này đã ra chiếu chỉ về việc bản thân sẽ không vì mẹ mà trì hoãn chuyện quốc sự. Thậm chí còn cảnh cáo sẽ trừng phạt thích đáng nếu ai dám nói điều không nên nói, phân bua thị phi trước mặt mẹ ông hay muốn gieo rắc bất hòa giữa hai mẹ con. Ngay cả việc nhắc nhở mẹ an phận thủ thường, Càn Long cũng làm rất khéo léo vì không muốn bà phật lòng. 

Càn Long cả đời không để mẹ can dự chuyện quốc sự

Ấy vậy mà Sùng Khánh Hoàng Thái hậu lại có lần phạm sai lầm khi nhắc nhở con trai sửa sang một điện thờ đã xuống cấp. Càn Long không tỏ thái độ với mẹ nhưng khiển trách người hầu của Thái hậu khiến bà hao tâm tổn sức lo đến việc tu sửa đền chùa miếu mạo. Nhận thấy ẩn ý nhắc nhở của con trai, Thái hậu từ đó không còn can dự thêm bât cứ chuyện gì không phải của mình dù là nhỏ nhất.

Trong lịch sử vốn có nhiều vị Thái hậu được trao quyền chấp chính, dẫn đến việc có thể kiểm soát được triều thần, thậm chí là hoàng đế. Có lẽ học được bài học từ tiền nhân nên Càn Long quyết không để chính sự phá hỏng tình cảm mẹ con của mình. Nhờ vậy mà giai đoạn ông trị vì, đất nước ổn định, thái bình, trở thành thời kỳ Khang Càn thịnh thế nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.