Cận cảnh ngôi nhà Bá Kiến ngoài đời thật: Khung nhà làm bằng gỗ lim quý, 120 năm vẫn còn nguyên vẹn
Xây dựng được 120 năm, ngôi nhà của nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong truyện Chí Phèo của Nam Cao đã trải qua 7 đời chủ vẫn còn nguyên vẹn, mang đầy hoài niệm về một Việt Nam xưa cũ.
Chí Phèo là tác phẩm văn học gần gũi và quen thuộc với người Việt Nam ở mọi lứa tuổi. Ngoài nhân vật chính Chí Phèo thì tuyến nhân vật phản diện của truyện - đứng đầu là Bá Kiến - gây tò mò cho người đọc về độ chân thực. Vào năm 1963, cố GS Nguyễn Đăng Mạnh - một trong số những nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học hàng đầu trong lịch sử nghiên cứu, phê bình văn học của Việt Nam - đã có chuyến thăm quê của nhà văn Nam Cao ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) để tìm hiểu những nguyên mẫu trong Chí Phèo.
Sau đó, trong một bài viết về tác giả Nam Cao, cố GS đã tiết lộ rằng nhân vật Chí Phèo không phải là người cùng thời với nhà văn mà là một nhân vật truyền thuyết của làng. Bá Kiến cũng vậy, nguyên mẫu của nhân vật phản diện này chính là Trần Duy Bính hay còn gọi là Bá Bính. Miêu tả về nhân vật này, cố GS có nhấn mạnh rằng hắn "gần giống với Bá Kiến: bóc lột dân, dâm ô, cướp cả vợ bố, ngủ với con dâu, cũng có bốn vợ".
Không những thế, dân làng Đại Hoàng còn có hẳn một bài vè về Bá Bính, truyền miệng từ đời này sang đời khác. Theo ông Trần Doãn Chấn thì nguyên văn như sau:
"Nam Sang nhất tổng Cao Đà
Có thằng Bá Nghị tên là sọc nhăng
Ông mà lại hóa ra thằng
Khôn ngoan nhất mực, nói năng ai tày
Bốn đời lý trưởng trong tay
Bao chiếm điền thổ xưa nay đã nhiều
Thuế tháng năm nhà nghèo cùng khổ
Mày lại còn lạm bổ lạm thu
Mang về xây dựng cơ đồ
Lắng tai ta sẽ bảo cho ân cần".
Trên thực tế, Chí Phèo và Bá Kiến không liên quan đến nhau. Nguyên mẫu Bá Kiến là Bá Bính còn sống đến sau năm 1945, con cháu nhiều người thành đạt, tham gia vào kháng chiến. Nơi Bá Bính ở là một ngôi nhà ba gian rộng rãi được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền dân tộc, bộ khung làm bằng gỗ lim, họa tiết trang trí thường là vân mây, lá lật, rồng hóa... Thời đó là đầu thế kỷ 19, chưa có xi măng nên người ta thay thế bằng hồ - hỗn hợp bao gồm mật mía, bồ hóng và vôi cùng với một số phụ gia khác. Gạch dùng xây tường và lát nền được nung bằng rơm nên bền vững theo thời gian. Ngôi nhà có hiên rộng phía trước, che mưa che nắng bằng bức dại lớn.
Tính đến nay, nhà của Bá Kiến đã tồn tại được 120 năm, trải qua 7 đời chủ. Người đầu tiên là lái buôn giàu có tên Trần Duy Hanh, chủ nhân đầu tiên và cũng là người thuê 20 thợ tài hoa làm nghề mộc ở Cao Đà, phủ Lý Nhân về làm căn nhà này. Bá Bính chỉ là người chủ thứ tư của ngôi nhà.
Vào tháng 11-2007, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nam đã bỏ ra 700 triệu đồng để mua lại căn nhà này rồi giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý. Hiện tại nguyên mẫu nhà của Bá Kiến vẫn tồn tại một cách gần như nguyên vẹn, trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn du khách ghé thăm mỗi khi đến Hà Nam.