Trong vô số quốc gia thì Mông Cổ là lựa chọn liên hôn khiến các công chúa e dè và sợ hãi nhất.
Vào thời phong kiến ở Trung Quốc, liên hôn là một trong những chiến lược chính trị phổ biến để giảm bớt mâu thuẫn giữa các dân tộc với nhau. Thường thì các công chúa hoặc con gái của gia đình hoàng tộc khi đến tuổi lấy chồng sẽ được gả cho thủ lĩnh của các vùng đất xa xôi nước ngoài vừa để tăng tình hữu nghị lại vừa có "con tin" để các nước khác không dám manh động. Đây chính là lý do mà các công chúa hoặc tiểu thư hoàng tộc dù xuất thân cao quý nhưng chẳng mấy ai được hạnh phúc viên mãn vì luôn bị cuốn vào các âm mưu chính trị, không được sống theo mong muốn của bản thân.
Vào thời nhà Thanh, dù hoàng đế nạp không ít phi tần người Mông Cổ nhưng các công chúa Thanh triều lại cực kì sợ là đối tượng liên hôn với nước này. Nguyên nhân đầu tiên là bởi Mông Cổ là vùng thảo nguyên khắc nghiệt, thời tiết lạnh giá, các công chúa quen sống trong nhung lụa khó mà thích ứng được với môi trường và đồ ăn ở đây. Thứ hai, đàn ông Mông Cổ quanh năm rong ruổi trên lưng ngựa, sống bằng nghề săn bắt nên sinh ra tính cách thô bạo, rõ ràng không phải hình mẫu lý tưởng của các nàng công chúa từ nhỏ đã được "cưng như cưng trứng hứng như hứng hoa". Thứ ba, phong tục của người Mông Cổ là người vợ phải cưới con chồng nếu chẳng may chồng qua đời, hành vi bị coi là nỗi nhục đối với văn hóa của người Mãn Châu. Thứ tư, người Mông Cổ để đảm bảo quyền lực sẽ không để các công chúa nhà Thanh sinh con nối dõi, khiến cho họ về sau không có người nương tựa.
Có thể thấy, liên hôn là sự phản ánh rõ nhất về địa vị của người phụ nữ trong chế độ phong kiến Trung Quốc thời xưa. Ngay cả các công chúa có vị thế đứng trên vạn người nhưng cũng không thể tự quyết định số phận của mình chứ đừng nói đến những cô gái con nhà thường dân. Liên hôn trên thực tế cũng không phải là việc có thể giữ được nền hòa bình giữa hai quốc gia mãi mãi. Nếu chiến tranh nổ ra, các công chúa hoặc bị giết để trút giận, hoặc bị mẫu quốc bỏ rơi, trở thành kẻ thừa thãi, không sớm thì muộn cũng có kết cục bi thảm.
Lịch sử cũng ghi nhận rằng các công chúa được cử đi liên hôn với Mông cổ thường phải kết hôn lại hoặc chết sớm. Số phận của họ đầy buồn chán, khổ đau, luôn sống trong sự nơm nớp lo sợ. Có rất ít công chúa may mắn sống sót và được trở về mẫu quốc, tuy nhiên họ sẽ không còn được đối xử giống như trước nữa.