Ngạc nhiên chưa: Tăng cân ở trẻ em và người lớn liên quan đến nước ép hoa quả nguyên chất!
Nước ép hoa quả luôn được xem là loại nước healthy, hỗ trợ giảm cân nhưng trong một nghiên cứu mới đây thì loại nước ép 100% từ hoa quả lại có tác động trực tiếp đến sự tăng cân ở trẻ em và người lớn.
Theo một phân tích mới đây thì việc uống một hoặc nhiều ly nước ép trái cây nguyên chất 100% mỗi ngày có liên quan đến việc tăng cân nhẹ ở trẻ em và người lớn. Tiến sĩ Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan kiêm giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard ở Boston, cho biết: "Một vấn đề cơ bản với nước trái cây là số lượng, tiêu thụ trái cây theo cách này (ép nước) khiến bạn dễ bị quá liều".
Ông nêu ví dụ trong email rằng: "Liệu chúng ta có thường xuyên ăn ba quả cam không? Một ly nước ép cam tương đương với ba quả cam có thể uống hết trong một hoặc hai phút và chúng ta có thể quay lại uống thêm một ly nữa. Điều đó dẫn đến việc cơ thể bổ sung thêm nhiều calo, làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến". Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến kháng insulin, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, bệnh tim, béo phì và các tình trạng mãn tính khác.
Do lo ngại về tỷ lệ béo phì và sâu răng ở trẻ em ngày càng tăng, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên các bậc cha mẹ và người giám hộ tránh hoàn toàn nước trái cây cho trẻ dưới 1 tuổi, hạn chế uống ở mức 4 ounce (1 ounce = 29.57353ml) mỗi ngày đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi và chỉ 6 ounce mỗi ngày cho trẻ em từ 4 đến 6 tuổi.
Hannon, giám đốc chương trình tiểu đường nhi khoa tại Bệnh viện nhi Riley kiêm giáo sư về y học và di truyền phân tử tại Trường Đại học Indiana, cho biết: "Thực sự không có lý do sức khỏe nào để uống nước trái cây thay cho ăn ray củ quả, trừ khi con bạn không thể chịu đựng được việc ăn thức ăn thông thường". Thậm chí theo hướng dẫn dinh dưỡng, thanh thiếu niên và người lớn không nên uống quá 8 ounce nước trái cây nguyên chất 100% mỗi ngày và nước trái cây không nên được coi là loại nước lành mạnh để giải khát.
Giải thích kĩ hơn, giáo sư Hannon cho biết: "Toàn bộ trái cây và rau quả đều chứa nhiều chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, chất béo, khoáng chất và vitamin, đặc biệt là luôn có chất xơ. Khi ép nước, chúng ta sẽ lấy đi chất xơ và các bộ phận cấu trúc của thực phẩm, dẫn đến việc cơ thể chúng ta tiêu hóa và chuyển hóa khác đi". Ví dụ, ăn cả quả táo không làm tăng lượng đường trong máu vì đường có tự nhiên cùng các chất sẽ được giải phóng từ từ vào máu. Tuy nhiên, nếu uống nước táo thì máu sẽ lập tức tràn ngập đường fructose.
"Máu không thể có đường. Nó gây nguy hiểm cho các cơ quan nên cơ thể có rất nhiều cơ chế để loại bỏ đường nhanh chóng và giữ cho lượng đường trong máu của chúng ta ở mức bình thường. Gan là cơ quan chuyển hóa đường, chuyển đổi một phần lớn lượng calo đó thành chất béo có thể dễ dàng lưu trữ và không bị trộn lẫn vào máu", Hannon giải thích.