Đời sống

5 ngôi chùa linh thiêng để cầu may dịp Tết Canh Tý 2020

 

  • Giữa ồn ào với mẹ con KICM, Jack bất ngờ đổi nghệ danh
  • Scandal Jack KICM: Phía KICM chính thức lên tiếng, tiết lộ sốc về kẻ đứng sau ồn ào
  • Giữa scandal Jack - KICM, Sơn Tùng M-TP bất ngờ bị CĐM gọi tên

1. Chùa Hương - Hà Nội

Chùa Hương nằm ven bờ phải sông Đáy ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thủ đô Hà Nội. Chùa Hương là một quần thể gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần và các ngôi đình khác, riêng trung tâm cụm đền chùa nằm trong động Hương Tích, được xây dựng từ vào khoảng cuối thế kỷ XVII và được tu sửa vào cuối thế kỷ XIX.

Để đến được nơi cửa Phật, du khách sẽ được thưởng thức thú vui ngồi thuyền ngắm cảnh, từng bước lạc vào chốn hư vô bồng lai tiên cảnh. Mỗi khi xuân về tết đến, từ khoảng tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, chùa Hương lại nhộn nhịp với các lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, chùa Hương là nơi lưu giữ những nét đẹp giá trị văn hóa dân tộc. Vì vậy, du khách thập phương thường đến dâng hương viếng chùa trong dịp tết nguyên đán.

Bạn và gia đình có thể khai xuân tại chùa Hương để cùng đón năm mới và cầu nguyện, gửi gắm tâm linh tại nơi cửa Phật ngoại thành Hà Nội nhé!

2.  Chùa Đồng Yên Tử - Quảng Ninh

Chùa Đồng tọa lạc trên ngọn núi thiêng Yên Tử, nằm trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử, có độ cao hơn 1068m so với mực nước biển, thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Đồng Yên Tử được công nhận là “ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”, được làm toàn bộ bằng chất liệu đồng. Chùa được dựng với hình dáng của một đóa sen khổng lồ, trong đó mỗi phiến đá là một cánh sen nở, chùa Đồng nằm giữa đài sen. Trong chùa gồm 1 tượng Phật Thích Ca và 3 tượng Tam Tổ Trúc Lâm, có kích thước từ 0.45 - 0.87m trên đài sen.

Lễ hội ở chùa Đồng nói riêng và Yên Tử nói chung diễn ra rầm rộ vào 3 ngày đầu năm và mùng 10 tháng giêng. Khi lễ hội được tổ chức cũng là lúc du khách mọi miền chịu đựng giá rét, vượt qua hàng ngàn bậc thang dẫn lên núi để đến chùa Đồng. Mọi người thành tâm cầu nguyện, thắp hương và dâng lễ nơi cửa Phật những ngày đầu xuân là một trong những truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng tôn giáo.

Bên cạnh đó, trên độ cao hơn nghìn mét của núi Yên Tử, du khách còn được ngắm nhìn những hòn đảo thấp thoáng của vịnh Hạ Long, thưởng thức mây trời bồng bềnh và hòa vào không khí nhộn nhịp đông vui của đoàn người nối đuôi nhau lên chùa. Bạn có muốn được leo núi và cầu nguyện ở chùa Đồng không nào?

3. Chùa Dâu - Bắc Ninh

Chùa Dâu thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 30km. Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, tồn tại vào thế kỷ III và được tu sửa nhiều lần.

Chùa Dâu là biểu tượng sinh động được kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian đất Việt và Phật giáo du nhập từ nước Ấn. Kiến trúc từ thời kì đầu xây dựng đã không còn nguyên vẹn, tuy nhiên chùa Dâu vẫn được xây dựng theo kiểu cổ xưa - “ nội công ngoại quốc” ở Việt Nam. Bên trong chùa có nhiều pho tượng cổ không chỉ riêng tượng Phật mà còn có tượng Bà Đậu, tượng nữ thần Pháp Vân, hay tượng Mạc Đĩnh Chi, thánh mẫu,...

Vì là nơi cổ nhất, nên chùa Dâu đón tiếp nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu nền Phật giáo cổ xưa. Ngoài lễ hội chùa Dâu vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, những ngày tết cổ truyền cũng hứa hẹn có nhiều hoạt động lễ hội diễn ra tại chùa thu hút đông đảo du khách. Bạn có thể tìm đến chùa Dâu vào năm mới này, để lắng đọng nơi cửa Phật và chiêm ngưỡng một phần di tích cổ xưa trải qua những thăng trầm thời gian và nhiều biến cố lịch sử nhé!

4. Chùa Bà - Tây Ninh

Chùa Bà là tên gọi phổ biến của chùa  Linh Sơn Tiên Tự Thạch, ngoài ra, còn có những tên gọi khác như chùa Bà Đen, chùa Thượng hay Điện Bà Tây Ninh. Chùa nằm trên độ cao 350m trên núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ (khoảng 968m), thuộc tỉnh Tây Ninh và chỉ cách trung tâm T.p Hồ Chí Minh khoảng 100km. Vì thế mỗi dịp tết đến, người dân địa phương và các tỉnh thành lân cận như Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương cùng nhau nô nức đến viếng chùa Bà.

Chùa được xây dựng khoảng từ 300 năm trước từ những ngày đầu khai phá vùng đất hoang sơ này và được trùng tu vào những năm 1993-1997 do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh. Quy mô và kiến trúc chùa khá đặc sắc, ôm theo thế đất tự nhiên của sườn núi, bắt nguồn từ mái đá thật to nhô ra tạo thành hang động. Đồng thời, điểm nổi bật ở chùa Linh Sơn Tiên Tự Thạch đó là tượng Bà bằng đồng đen tạc từ thời vua Gia Long.

Xung quanh Điện Bà, còn có những ngôi chùa khác cùng ngự trên núi, vì thế du khách đến đây sẽ được dâng lễ và viếng thăm nhiều chùa, trải nghiệm chuyến hành hương du xuân nhiều ý nghĩa.

Cùng hòa vào dòng người tấp nập đến chùa, bạn sẽ cảm nhận được không khí tưng bừng của những ngày đầu năm. Bạn và gia đình hãy viếng chùa Bà dịp tết cổ truyền để có được những phút giây an yên và thanh tịnh giữa chốn tâm linh trên núi Bà Đen sừng sững của vùng đất Đông Nam Bộ này nhé.

5. Chùa Bái Đính - Ninh Bình

Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía Tây khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa hiện có tổng diện tích khuôn viên khoảng 539 ha - lớn nhất đất nước, xuất hiện từ hơn 1000 năm trước và được xây thêm vào năm 2003. Chùa Bái Đính là ngôi chùa giữ nhiều kỉ lục của Việt Nam và khu vực, trong đó nổi bật với tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.

Kiểu kiến trúc của chùa đồ sộ, lộng lẫy và hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông. Đồng thời, đây là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa tâm linh với quy mô rất lớn. Chính vì thế, chùa Bái Đính mỗi năm đón hàng triệu phật tử viếng thăm, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

Du khách có thể đến thăm chùa vào dịp Tết để cùng mọi người thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công ơn đức thánh và tham gia vào trò chơi dân gian, thăm thú hang động, thưởng thức nghệ thuật chèo - xẩm. Không khí tươi vui, nhộn nhịp nơi cửa Phật rộng lớn hẳn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

 

Những lời chúc Tết ý nghĩa nhất cho năm Canh Tý 2020

(Techz.vn) Mỗi dịp Tết Nguyên Đán, việc trao nhau những lời chúc tốt đẹp, ý nghĩa đã trở thành nét văn hóa, truyền thống lâu đời của người Việt.