Sự thật về Hoàng hậu Ki - thiếu nữ Triều Tiên duy nhất từng nắm quyền lực tối cao ở Trung Quốc
Cuộc đời huyền thoại của Hoàng hậu Ki được dựng thành bộ phim cực kì nổi tiếng của Hàn Quốc.
Với khán giả yêu mến dòng phim truyền hình cổ trang của Hàn Quốc thì không thể không biết đến tác phẩm nổi tiếng Hoàng hậu Ki. Đây thực ra không phải là nhân vật hư cấu mà thực sự có thật trong lịch sử Trung Quốc. Hoàng hậu Ki xuất thân trong một gia đình nhà quan ở bán đảo Triều Tiên thời Vương quốc Cao Ly (918 - 1392).
Không có nhiều thông tin về Hoàng hậu Ki, chỉ biết bà sinh năm 1913, được gọi là Öljei Khutuk theo tên Mông Cổ (Hoàn Giả Hốt Đô). Nhận xét về người phụ nữ đặc biệt này, giáo sư lịch sử người Hàn Quốc ở Đại học Nam California (Mỹ) tên là Kyung Moon Hwang nhận định: "Hoàng hậu Ki là trường hợp điển hình của việc một nhân vật quyền lực ở triều đại trước bị triều đại kế tiếp phác họa tiêu cực cả ở Trung Hoa và ở bán đảo Triều Tiên".
Được biết, thời kì Cao Ly thần phục nhà Nguyên (1270 - 1356), ngoài việc có ít nhất 7 công chúa Mông Cổ thường được chọn để liên hôn với hoàng tộc Cao Ly thì cũng có nhều thiếu nữ Cao Ly trở thành "cống phẩm" cho nhà Nguyên, trong đó có cả Hoàn Giả Hốt Đô. Ban đầu thiếu nữ Cao Ly này chỉ là cung nữ nhưng sau khi dâng trà cho Nguyên Huệ Tông Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ - hoàng đế Trung Hoa kiêm Khả Hãn Mông Cổ - đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của ngài vì năm 8 tuổi, Hoàng đế từng bị đày sang Cao Ly.
Hoàn Giả Hốt Đô với nhan sắc, sự thông minh và tài hoa của mình đã trở thành sủng phi bậc nhất của Nguyên Huệ Tông. Nàng ta nhanh chóng thăng từ cung nữ lên Ngũ phẩm Tài nhân và sau đó thăng làm Tiệp dư, Quý phi. Điều này khiến hoàng hậu khi đó là Đáp Nạp Thất Lý ghen tuông đến mức nhiều lần bày kế hạ sát cô nhưng không thành. Cuối cùng, khi gia tộc của Đáp Nạp Thất Lý bị kết tội phản nghịch, bà phải nhận hình phạt uống thuốc độc tự tử thì Hoàn Giả Hốt Đô cũng rộng đường trở thành hoàng hậu.
Tuy nhiên, con đường quyền lực của bà không hề dễ dàng khi dù hoàng đế có cố gắng phong sủng phi của mình làm hoàng hậu thì triều thần vẫn đồng lòng phản đối. Cuối cùng ngôi vị đứng đầu lục cung lại rơi vào tay con gái của thừa tướng Bá Nhan là Bá Nhan Hốt Đô. Phải đến khi Hoàn Giả Hốt Đô sinh con trai là Ái Du Thức Lý Đạt Lạp vào năm 1340 thì hoàng đế mới có cớ đưa bà lên làm "hoàng hậu thứ hai". Năm 1365, Bá Nhan Hốt Đô qua đời, Hoàn Giả Hốt Đô mới có thể làm chủ hậu cung, trở thành Hoàng hậu Ki vang danh lịch sử.
Nhờ sự thông minh, trí tuệ hơn người mà Hoàng hậu Ki được Nguyên Huệ Tông giao cho thẩm quyền trong lĩnh vực thu thuế. Đó cũng là nền móng để bà có nhiều đóng góp to lớn cho kinh tế, xã hội nhà Nguyên sau này. Dần dần, Hoàng hậu Ki thâu tóm được quyền lực, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của dân Trung Hoa khi đó. Quyền lực của bà khiến cho người thân ở Cao Ly trở nên lộng hành, khiến vua Cao Ly là Cung Mẫn Vương nổi giận, bày kế mời cha mẹ và người thân của Hoàng hậu Ki tới dự một buổi yến tiệc rồi tàn sát hết toàn bộ.
Để trả thù, Hoàng hậu Ki sai con trai là Ái Du Thức Lý Đạt Lạp dẫn đại quân tấn công Cao Ly nhưng cái kết lại thất bại thảm hại. Vừa trở thành kẻ phản quốc, nhà Nguyên lại suy yếu, bị cuộc khởi nghĩa nông dân của Chu Nguyên Chương đánh bại, Hoàng hậu Ki cùng chồng và các thành viên hoàng tộc khác phải rút về Thượng Đô (nay ở Nội Mông - Trung Quốc). Cuối cùng bà qua đời đột ngột vào năm 1369, hưởng thọ 54 tuổi.