Người nông dân đào cát đụng phải ‘rồng đá’ dài 369m, hiện trường lập tức bị phong toả
Người nông dân không ngờ phát hiện của mình lại khiến cho cả giới khảo cổ Trung Quốc phải đau đầu tranh cãi trong nhiều năm.
Một buổi sáng năm 1988, người nông dân họ Khương sống ở làng Khương Giao, Hàm Đan, Hà Bắc, Trung Quốc đi đào cát gần nhà. Trong quá trình làm việc, chiếc xẻng của anh bất ngờ đụng phải một vật cứng. Nhận thấy có điều kì lạ, anh Khương đã tiếp tục dùng xẻng hớt hết đất đá xung quanh để xem vật cản trở kia là gì.
Lúc đầu, người nông dân này chỉ nghĩ rằng có lẽ bản thân đã đụng phải một tảng đá lớn. Tuy nhiên, khi vật dưới đất dần lộ ra, anh vô cùng kinh ngạc vì kích cỡ cực lớn của nó. Vật cản này có hình thù giống con rồng đá khổng lồ với thân hình uốn lượn vô cùng ấn tượng.
Vì kích thước quá khủng của con “rồng đá” mà anh Khương khó lòng tự mình di chuyển được. Do đó anh đã huy động sự hỗ trợ của dân làng. Chính vì thế nên việc anh Khương đào được vật lạ cũng nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Nắm bắt được thông tin, chính quyền địa phương đã cử ngay một đội điều tra xuống hiện trường để tìm hiểu sự việc.
Sau khi các chuyên gia trong đội tiến hành đo đạc, xem xét kĩ lưỡng đã đưa ra kết luận khiến ai nấy tại hiện trường đều choáng váng. “Rồng đá” mà anh Khương phát hiện có có chiều dài x rộng x cao lần lượt là 369m x 4,6m x 2,5m. Kinh ngạc hơn nữa đó là con rồng này không phải con duy nhất, xung quanh nó còn có 9 con rồng đá với kích thước nhỏ hơn tạo nên tổng thể “thập long quy tụ” vô cùng độc đáo và ấn tượng.
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về nguồn gốc của quần thể rồng đá trên. Tuy nhiên, vì không có sử liệu nào đề cập đến nó nên mọi tranh cãi đều không thể đi đến hồi kết. Chỉ biết là theo tính toán của chuyên gia văn hoá rồng hàng đầu của Trung Quốc - Giáo sư Vương Đại Hữu - thì những con rồng đá trên được hình thành tự nhiên trên bờ biển từ 10.000 đến 120.000 năm trước. Giả thuyết của ông cũng được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu khác nên nhận được sự đồng tình lớn từ giới chuyên môn.