3 điều nên tránh để có được giấc ngủ trưa lý tưởng, nạp năng lượng cho một ngày năng động!
Giấc ngủ trưa có sự tác động không nhỏ đến việc duy trì năng lượng trong ngày cũng như sức khỏe của con người.
Giấc ngủ có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Ngoài giấc ngủ tối thì giấc ngủ trưa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì năng lượng trong một ngày. Như Tiến sĩ Amy Korwin, bác sĩ chuyên khoa phổi người Mỹ, nhấn mạnh rằng: "Ngủ trưa có thể giúp bạn tỉnh táo hơn, cải thiện hiệu suất học tập và làm việc cũng như khả năng phản ứng. Giấc ngủ ngắn vào ban ngày cũng góp phần giảm mệt mỏi, cảm giác buồn ngủ và cải thiện tâm trạng của bạn".
Đáng chú ý, theo 1 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep Health, những người hay ngủ trưa thì não sẽ được bù đắp tới 6,5 năm lão hóa (não cũng lão hóa theo độ tuổi). Để có giấc ngủ trưa chất lượng, cần lưu ý 3 điều không nên làm dưới đây:
1. Không ngủ quá lâu
Tiến sĩ Korwin đưa ra lời khuyên rằng: "Những giấc ngủ ngày dài hơn làm giảm nhu cầu ngủ của bạn, khiến bạn khó ngủ vào ban đêm. Thói quen đó cũng dễ dẫn đến cảm giác uể oải, trì trệ và khó trở lại trạng thái tỉnh táo sau khi tỉnh dậy".
Khoảng thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa là khoảng 15 - 30 phút. Đặc biệt là đối với người trưởng thành thì nên tạo dựng thói quen ngủ trưa vào thời điểm nhất định mỗi ngày và không ngủ quá 30 phút. Bởi, những người ngủ trưa lâu bị cho là có chỉ số khối cơ thể cao, vòng eo lớn, huyết áp cao hơn người khác, thậm chí còn có nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa - nguyên nhân dẫn đến các bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường.
2. Không ngủ trên giường
Việc ngủ trên một chiếc giường thoải mái sẽ khiến cho bạn muốn ngủ nhiều hơn, rõ ràng điều này không tốt chút nào. Do đó hãy cân nhắc việc ngủ trên sofa hoặc ghế ngả lưng để đảm bảo giấc ngủ trưa không quá 30 phút.
3. Không ngủ vào chiều muộn
Khoảng thời gian lý tưởng mà các chuyên gia khuyến cáo cho giấc ngủ trưa là từ 13 - 15 giờ. "Vào buổi chiều, cơ thể bạn giảm mức năng lượng khiến đây trở thành thời điểm lý tưởng để ngủ trưa, lấy lại sức lực", Tiến sĩ Korwin lý giải. Ông cho biết việc ngủ và chiều muộn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm.