Ô tô

Giảm giá bất chấp vì ‘ế ẩm’, ô tô điện Trung Quốc càng khiến khách Việt lo ngại trước khi xuống tiền

Mặc dù đã được nhà phân phối và đại lý giảm giá liên tiếp nhưng Wuling Hongguang Mini EV vẫn chưa thể thu hút với khách Việt và thậm chí càng trở nên ‘ế ẩm’ hơn.

Wuling Hongguang Mini EV là mẫu ô tô điện cỡ nhỏ của Trung Quốc và được TMT Motors lắp ráp tại Hưng Yên. Mẫu xe ra mắt thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào cuối tháng 6/2023 với mức giá bán lẻ 239 – 279 triệu đồng.

wuling-mini-ev-1

Với lợi thế “một mình một chợ” trong suốt một thời gian dài trước khi có sự góp mặt của VinFast VF 3, tuy nhiên Mini EV luôn rơi vào tình trạng ế ẩm triền miên và liên tiếp phải giảm giá để thu hút khách Việt.

Minh chứng là chỉ cách đây ít ngày, TMT Motors đã công bố giá bán niêm yết mới của hai phiên bản LV2 120 km và LV2 170 km của Mini EV với mức lần lượt là 197 triệu đồng và 231 triệu đồng. So với trước, giá bán hai bản này giảm lần lượt 58 triệu và 48 triệu đồng.

wuling-mini-ev-2

Chưa dừng lại ở đó, một số đại lý hiện còn tồn kho Mini EV phiên bản LV1 120 km hiện cũng đang ‘đại hạ giá’ cho xe xuống chỉ còn 185 triệu đồng. Có thể thấy, giảm giá là cách duy nhất để mẫu xe điện Trung Quốc dễ tiếp cận với khách Việt hơn.

Dẫu vậy, một mẫu ô tô liên tục biến động về giá, thậm chí còn được gọi là “mất giá” là điều khiến người dùng thấy bất an nhất trước khi xuống tiền, bởi ai cũng muốn mua một chiếc xe ở thời điểm rẻ nhất. Mà với sự xuất hiện của VinFast VF 3, rất có thể Wuling Hongguang Mini EV sẽ còn giảm giá tiếp.

Ở một góc độ khác, những khách hàng đã sở hữu Wuling Hongguang Mini EV đang cảm thấy khá “xót ruột” khi bị mất trắng hàng chục triệu đồng sau mỗi đợt giảm giá hoặc thậm chí chỉ sau một đêm. Ví dụ như một khách hàng mua Mini EV trước ngày 5/8 sẽ phải mua đắt hơn từ 48 – 58 triệu đồng (tùy bản) so với những khách hàng mua xe sau đợt điều chỉnh giảm giá.

wuling-mini-ev

Trên thực tế, một chiếc ô tô giữ giá luôn là một trong những yếu tố hàng đầu thuyết phục khách hàng xuống tiền. Việc mẫu xe này có giá trị thanh khoản không cao và có thể gây lỗ nặng cho người dùng thường không được đánh giá cao, kén khách là điều dễ hiểu.

Đáng chú ý, một thương hiệu xe Trung Quốc khác vừa gia nhập thị trường Việt Nam là BYD cũng từng bị khách hàng quốc tế “lên án” bởi chiêu trò giảm giá bất chấp này.

Theo Reuters, đầu tháng 7/2024, nhà chức trách Thái Lan đã tiếp nhận 70 đơn thư khiếu nại đại diện cho cộng đồng khách hàng BYD, đòi bồi thường vì tình trạng hạ giá bất chấp gây ảnh hưởng tới quyền lợi người dùng của BYD. Đáng chú ý nhất là mẫu Atto 3 ban đầu được bán với giá gần 33.000 USD, chỉ một thời ngắn sau đó đã có mức giá mới giảm tới… gần 9.300 USD.

byd-atto-3

Nhiều khách hàng cho biết họ đã bị lợi dụng khi phải mua xe giá cao trong khi “vừa ra tới cửa đã mất 1/3 giá trị”, đồng nghĩa sẽ rất khó khăn cho khách hàng khi có nhu cầu bán xe.

Sau bài học của người Thái Lan với BYD, khách Việt Nam đang tỏ ra khá dè chừng trước những thương hiệu Trung Quốc. Đặc biệt, BYD mới đây cũng đã mở bán 3 mẫu ô tô điện tại Việt Nam là Atto 3, Dolphin và Seal. Liệu BYD có tung chiêu giảm giá với 3 mẫu xe này tại Việt Nam hay không vẫn là “dấu chấm hỏi”.