Ô tô

Vinuni giành giải thưởng lớn nhất trị giá 1 triệu bảng Anh trong cuộc thi thử thách toàn cầu Trinity

Tổ chức tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho những thách thức sức khỏe lớn nhất toàn cầu (The Trinity Challenge - TTC) đã vinh danh chủ nhân Giải thưởng Lớn (Grand Prize) trị giá 1 triệu bảng Anh.

Ngày 6/6, Tổ chức tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho những thách thức sức khỏe lớn nhất toàn cầu (The Trinity Challenge - TTC) đã vinh danh chủ nhân Giải thưởng Lớn (Grand Prize) trị giá 1 triệu bảng Anh, là giải thưởng lớn nhất TTC 2024 cho “Giải pháp nền tảng thú y ảo Farm2Vet”. Giải pháp được dẫn dắt bởi các giảng viên trường Đại học VinUni,  với kỳ vọng giải quyết triệt vấn đề kháng kháng sinh trong Thú y - 1 trong 10 mối đe dọa lớn nhất của sức khỏe toàn cầu.

anh-1-1717853128.jpg
 

Thử thách Trinity (The Trinity Challenge) là Tổ chức tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho những thách thức sức khỏe lớn nhất thế giới. Năm nay, Trinity kết hợp với MIT Solve của Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) tổ chức cuộc thi với thử thách “Kháng kháng sinh”. Chương trình nhằm kêu gọi các nhà khoa học toàn cầu đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của kháng kháng sinh ở vi khuẩn thông qua sức mạnh của dữ liệu lớn từ các cộng đồng có thu nhập thấp và trung bình (LMIC). 

Farm2Vet là Dự án về nền tảng thú y ảo được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Phí Thị Linh Giang (Giảng viên Viện Kinh doanh Quản trị) và Tiến sĩ Đoàn Đăng Khoa (Giảng viên Viện Khoa học Máy tính, trường đại học VinUni) cùng Giáo sư Thanh Hương (Helen) Nguyễn (Giảng viên Đại học Illinois Urbana Champaign - Hoa Kỳ). Dự án đã xuất sắc vượt qua 285 giải pháp ấn tượng của các đội thi đến từ 57 quốc gia để giành giải thưởng cao nhất trị giá 1 triệu bảng Anh (hơn 32 tỷ đồng Việt Nam) tại The Trinity Challenge 2024. 

Việc lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để ngăn ngừa dịch bệnh ngắn hạn đã khiến cho nông dân phải đối mặt với các nguy cơ dài hạn của bệnh dịch và nghèo đói do Kháng kháng sinh (AMR). Theo đó, Farm2Vet khuyến khích nông dân sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi bằng cách cung cấp cho họ quyền truy cập tức thì, dễ dàng với chi phí thấp vào các kiến thức và dịch vụ thú y đáng tin cậy. Cơ sở dữ liệu từ Farm2Vet giúp nông dân có thể chẩn đoán bệnh và được tư vấn điều trị thông qua nền tảng. 

Đặc biệt, các kiến thức từ Farm2Vet cũng giúp cảnh báo sớm cho các nhà hoạch định chính sách để ngăn ngừa các đợt bùng phát và các điểm nóng kháng kháng sinh, cũng như thiết kế chính sách an toàn sinh học cho chăn nuôi. Farm2Vet cũng có thể đánh dấu và kết nối các cụm trang trại sản xuất an toàn với doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng nhằm đáp ứng các nhu cầu thực phẩm chất lượng và hữu cơ toàn cầu. 

Tiến sĩ Phí Thị Linh Giang - Giảng viên Viện Kinh doanh Quản trị và nguyên Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp VinUni, chủ nhiệm dự án cùng các thành viên dự án chia sẻ:“Các thách thức toàn cầu hiện nay đều rất phức tạp và đòi hỏi sự kết hợp liên ngành toàn diện. Đội ngũ chúng tôi đến từ nhiều trường đại học hàng đầu và liên kết với Công ty cổ phần thú y Vettech Hà Nội. Nhờ vậy, chúng tôi có kết nối thực với hàng triệu nông dân và hàng ngàn bác sĩ thú y tại Việt nam. Farm2Vet hy vọng sẽ là bước khởi đầu cho nhiều dự án tương tự, mang lại lợi ích lâu dài cho hàng trăm triệu nông dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới, đồng thời giúp bảo vệ sức khỏe của hàng tỷ người tiêu dùng thông qua việc khuyến khích thực phẩm sạch và an toàn đến từ trang trại”. 

TS. Lê Mai Lan - Chủ tịch hội đồng Trường VinUni cho biết:“Chúng tôi thật sự tự hào về tinh thần Việt Nam khi lần đầu tiên tên tuổi của các nhà khoa học của một trường đại học Việt được xướng tên chiến thắng Giải thưởng Lớn ở một cuộc thi tầm cỡ thế giới như Trinity Challenge. Với cách tiếp cận liên ngành dựa trên dữ liệu lớn, Farm2Vet là giải pháp sáng tạo, khả thi và có tiềm năng nhân rộng, góp phần vào giải quyết các thách thức không chỉ ở Việt nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới”. 

Giáo sư Dame Sally Davies - Chủ tịch Thử thách Trinity và Đặc phái viên của Vương quốc Anh về Kháng kháng sinh, cho biết: “Tầm nhìn và sự nỗ lực của những người chiến thắng thật đáng ngưỡng mộ. Họ đều cho thấy rằng mọi người đều có thể tạo ra sự khác biệt và trở thành một phần của giải pháp cho tình trạng khẩn cấp về kháng sinh; không ai có câu trả lời toàn diện nhưng chúng ta vẫn có thể hành động. Ví dụ, với kế hoạch tạo ra một nền tảng mới để nông dân tiếp cận chẩn đoán và tư vấn điều trị cho động vật của họ, người chiến thắng giải thưởng lớn của chúng ta đang tập trung vào chuỗi thực phẩm, nhưng lại tạo ra một giải pháp mạnh mẽ có thể tạo ra dữ liệu để lấp đầy những khoảng trống trong kiến thức của chúng ta và thông báo cho các nhà hoạch định chính sách.”

Với việc tập trung vào nhu cầu tối ưu sản xuất của hàng triệu nông dân và nhu cầu thịt an toàn của hàng trăm triệu người tiêu dùng, Farm2Vet sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp của Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Dự án không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm và tinh thần Việt Nam mãnh liệt của các nhà khoa học Việt, mà còn có sứ mệnh phụng sự nhân loại một cách thiết thực và hiệu quả./.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Kháng kháng sinh (AMR) nằm số 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu hàng đầu, có thể gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm và tổn thất GDP 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Việt Nam là quốc gia hiện đang xếp thứ 11 toàn cầu về tiêu thụ kháng sinh và có một trong những tỷ lệ AMR cao nhất thế giới.

Về Thử thách Trinity (The Trinity Challenge): Trinity Challenge (TTC) là một tổ chức từ thiện hỗ trợ tạo ra các giải pháp dựa trên dữ liệu để giúp bảo vệ chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Thử thách Trinity được đưa ra để đối phó với đại dịch Covid-19 (từ năm 2021), trong đó nhấn mạnh nhu cầu toàn cầu phải chuẩn bị tốt hơn để giải quyết các trường hợp khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe.