Nhiều nghiên cứu và thống kê đã chỉ ra, xe điện không chỉ thân thiện với môi trường mà còn vượt trội hơn hẳn xe động cơ đốt trong về độ an toàn khi đối mặt với nguy cơ cháy nổ.
Tỷ lệ cháy của xe điện chỉ bằng 1/61 so với xe xăng
Mới đây, Boston Globe - một trong những tờ báo hàng đầu của Mỹ, có bài viết gây chú ý: “Xe điện có dễ cháy hơn xe chạy bằng xăng không?”.
Bài viết kể lại một tình huống vào tháng 6/2024, một chiếc xe đã bị tai nạn và bốc cháy trên Tuyến đường 20 ở Weston khiến 2 người tử vong. Một người gửi email tới tòa báo đã viết: "Tôi nghi ngờ rằng chiếc xe đó là xe điện". Hóa ra vụ tai nạn thương tâm này liên quan đến một chiếc xe bán tải Chevy đời 2003.
Một vụ cháy xe khác xảy ra vào ngày 5/7 trên xa lộ Massachusetts Turnpike ở Framingham. Sau yêu cầu báo “khảo sát tất cả các vụ cháy xe trong năm qua để xem liệu xe điện có chiếm tỷ lệ lớn hay không", kết quả là chiếc xe bị cháy trong trường hợp này là chiếc Subaru Outback chạy bằng xăng, đã 10 năm tuổi.
Hiện nay, vẫn có những phân vân về việc xe điện có dễ xảy ra cháy nổ hơn xe xăng. Tuy nhiên, trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ cháy xe điện thấp hơn rất nhiều so với xe xăng. Tại Mỹ, một nghiên cứu do công ty bảo hiểm Auto Insurance EZ, thực hiện dựa trên dữ liệu từ Ủy ban An toàn giao thông vận tải quốc gia Mỹ (NTSB), Cục Thống kê giao thông vận tải Mỹ (BTS) và dữ liệu thu hồi của chính phủ Mỹ cho thấy, xe có động cơ đốt trong có số vụ cháy cao hơn đáng kể so với xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Nghiên cứu tiết lộ, xe chạy bằng xăng và dầu diesel gặp phải 1.530 vụ cháy trên 100.000 xe. Trong khi đó, ở xe thuần điện, con số này là 25 vụ. Điều này đồng nghĩa, tỷ lệ cháy của xe điện chỉ bằng 1/61 so với xe sử dụng xăng, dầu.
Trong bài viết hồi tháng 2/2024, chuyên trang ô tô Top Gear cũng trích dẫn số liệu từ Tổ chức EV FireSafe (được Bộ Quốc phòng Australia tài trợ) xác nhận rằng có gần 500 vụ cháy pin xe điện trong tổng số 20 triệu chiếc bán ra trên toàn thế giới. Tỷ lệ này thấp hơn 80 lần so với số vụ cháy từ xe sử dụng nhiên liệu xăng, dầu.
Tờ The Guardian dẫn lời ông Colin Walker, Giám đốc bộ phận Giao thông của tổ chức nghiên cứu Energy và tổ chức phi lợi nhuận Climate Intelligence Unit (ECIU) cho biết: “Tất cả dữ liệu đều cho thấy xe điện ít có khả năng bốc cháy hơn rất nhiều so với xe chạy bằng xăng”. Hơn nữa, “có rất nhiều vụ cháy xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel không được báo cáo”.
Xe điện không dễ bắt lửa như xe xăng
Lý giải về nguyên nhân “nỗi oan” của xe điện, nhiều chuyên gia nhìn nhận, do phương tiện này còn mới mẻ, nên các sự vụ xảy ra liên quan tới xe điện sẽ thu hút sự chú ý của người đọc hơn, từ đó, hình thành định kiến như trên.
Theo ông Đỗ Nam, một chuyên gia về điện – năng lượng, nguyên nhân gây cháy xe chủ yếu là sự cố gây quá nhiệt và tạo ra tia lửa điện. Trên các xe động cơ đốt trong truyền thống, động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch đốt cháy nên lượng nhiệt năng sinh ra rất lớn. Hơn nữa, hệ thống nhiên liệu của xe động cơ đốt trong rất phức tạp, bao gồm nhiều mối nối và luôn phải làm việc với áp suất cao nên dễ bị rò rỉ nhiên liệu. Lúc này, chỉ cần một tia lửa điện sẽ khiến hơi nhiên liệu có thể bốc cháy ngay lập tức.
Trong khi đó, đối với xe điện, hầu hết các nhà sản xuất đều lựa chọn sử dụng pin lithium-ion. Đặc điểm của pin lithium-ion là được trang bị những công nghệ chống cháy tốt nhất.
Về phần cứng, hệ thống pin được ngăn cách bởi các tấm kim loại dày và bao quanh là hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng, ngăn ngừa quá nhiệt. Hệ thống quản lý nhiệt này cũng kết hợp các lỗ thông hơi để giải phóng khí sinh ra ở nhiệt độ cao hơn, giúp giảm sự tích tụ áp suất.
Về phần mềm, hệ thống pin lithium-ion được thiết kế với công nghệ cách ly điện bằng những cảm biến nhiệt thông minh. Khi nhận thấy pin có dấu hiệu quá nhiệt, hệ thống làm mát sẽ làm việc để hạ nhiệt của pin. Nếu nhiệt độ vẫn không giảm, hệ thống điều khiển sẽ ngắt hoạt động của toàn bộ hệ thống để đảm bảo pin luôn làm việc trong dải nhiệt độ an toàn.
Lấy ví dụ về hệ thống trạm sạc xe điện của V-Green, vị này cho biết, không chỉ có thể hoạt động tốt cả trong nhà lẫn ngoài trời, đạt chứng nhận bảo vệ chống bụi, chống nước IP55, các trụ sạc còn bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ mất an toàn điện với tính năng bảo vệ dòng rò hay cơ chế bảo vệ mất kết nối đất; bảo vệ xe và bộ sạc khỏi các bất thường trong quá trình hoạt động như quá nhiệt hay quá áp/thấp áp.
Vị chuyên gia cho biết, trụ sạc V-Green cũng đạt các bài kiểm thử và được cấp chứng nhận theo các tiêu chuẩn an toàn như IEC 61851-1, IEC 61851-21 bởi các tổ chức đo lường uy tín trên thế giới. Bởi vậy, theo ông, người dùng xe điện VinFast có thể yên tâm sạc pin tại các trạm sạc công cộng cũng như trạm sạc của V-Green tại nhà.