So với các mẫu xe xăng ở khoảng giá từ hơn 1 tỷ đồng như Honda CR-V, Mazda CX-8, Hyundai Santa Fe… mẫu xe điện VinFast VF 8 nổi trội hơn hẳn về khả năng vận hành, trang bị tiện nghi, an toàn và công nghệ hỗ trợ lái, trong khi giá lăn bánh đang hấp dẫn bậc nhất thị trường.
VinFast VF 8: “Đỉnh nóc, kịch trần” trong tầm giá
VF 8 có mức giá niêm yết từ 1,17-1,569 tỷ đồng, bao gồm 2 lựa chọn thuê/mua pin cho 2 phiên bản VF 8S Lux và VF 8 Lux Plus. Tuy nhiên, mẫu D-SUV Việt đang có mức giá dễ tiếp cận chưa từng có nhờ các chương trình ưu đãi chồng ưu đãi từ VinFast, bao gồm ưu đãi riêng cho dòng xe lên tới 267 triệu đồng, cùng quà tặng nếu đổi từ xe xăng thương hiệu bất kỳ lên tới 120 triệu đồng.
Cộng với chính sách miễn 100% phí trước bạ dành cho xe điện, người dùng chỉ cần từ 898 triệu-1,203 tỷ đồng đã có thể lăn bánh mẫu xe này – thấp hơn cả giá niêm yết. Đổi lại là nhiều ưu điểm vượt tiêu chuẩn phân khúc về vận hành, an toàn và công nghệ.
“VF 8 như một mẫu xe thể thao trong tầm giá 1 tỷ đồng”, reviewer Nguyễn Trường Thành (kênh GearUpVN) trải nghiệm VF 8 cho biết. Mẫu xe điện của VinFast không chỉ mạnh trên thông số kỹ thuật (402 mã lực, 620 Nm mô men xoắn), mà trải nghiệm khi cầm lái thực tế cho thấy VF 8 có thể "thổi bay" các đổi thủ trong phân khúc SUV hạng D. Reviewer này cũng đánh giá VF 8 xuất sắc ở tất cả các hạng mục, từ cảm giác lái tới sự phản hồi của hệ thống treo.
VF 8 còn nổi trội so với các đối thủ trong tầm giá về trang bị an toàn và công nghệ. Gần như những gì “hot” trên thị trường xe hơi phổ thông đều xuất hiện trên VF 8 như sưởi, nhớ ghế, thông gió ghế, cửa sổ trời toàn cảnh, ADAS bao gồm cả tính năng cấp độ 2... Một số trang bị hạng sang vượt tầm giá trên VF 8 được người dùng đánh giá cao như gương chiếu hậu chống chói tự động, 11 túi khí, khả năng quản lý xe qua app điện thoại… Đặc biệt, VF 8 Lux Plus là một trong số ít mẫu xe trên thế giới có trợ lý ảo tích hợp công nghệ AI tạo sinh. Chế độ bảo hành 10 năm/200.000 km tốt bậc nhất trên thị trường cũng là ưu thế để VF 8 chiếm được lòng tin của khách hàng.
Hyundai Santa Fe: Thiết kế mới gây tranh cãi
Hyundai Santa Fe cũng từng là một lựa chọn đáng cân nhắc trong phân khúc trên 1 tỷ đồng. Phiên bản 2024 gây chú ý nhờ thiết kế hoàn toàn mới, không chút kế thừa nào từ những chiếc Santa Fe trong quá khứ. Tuy nhiên, nét vuông vức đậm nét hơn ở thiết kế đuôi xe đang là chủ đề tranh luận trái chiều về tính thẩm mỹ của mẫu xe Hàn bởi có phần quá đơn giản, nhiều khoảng trống, không phù hợp với xe gia đình.
So với các dòng xe của Nhật Bản, Mỹ, trang bị của các dòng xe đến từ Hàn Quốc thường có phần trội hơn. Đơn cử, Hyundai Santa Fe đem đến cho người dùng các trang bị an toàn tiêu chuẩn như: 6 túi khí, hệ thống hỗ trợ phanh ABS/EBD/BA, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, ổn định chống trượt thân xe… và một số tính năng ADAS cơ bản. Tuy nhiên, loạt tính năng này vẫn tỏ ra “thua thiệt” khi so với danh sách của VF 8.
Hơn nữa, khi so sánh với VF 8, cùng số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng lăn bánh hiện tại của VF 8 Lux Plus, người dùng chỉ có thể mua được “bản thiếu” của Hyundai Santa Fe với dẫn động cầu trước, động cơ có sức mạnh vừa phải với công suất tối đa 194 mã lực, mô men xoắn cực đại 246 Nm. Để có được bản cao cấp hơn, người dùng phải chi thêm khoảng 300 triệu đồng.
Mazda CX-8: Vẫn là bản CX-5 kéo dài
Trái với sự “lột xác” của Hyundai Santa Fe mới, Mazda CX-8 là mẫu xe được đánh giá an toàn trong thiết kế qua nhiều năm. Với ngôn ngữ thiết kế Kodo quen thuộc, nhiều người dùng so sánh CX-8 giống như một bản kéo dài từ mẫu xe cỡ C của Mazda là CX-5. Bởi vậy, mẫu xe này dần trở nên “hụt hơi” trên thị trường xe với nhiều tay chơi mới.
Trên tất cả các phiên bản, CX-8 sử dụng động cơ Skyactiv-G 2.5L phun xăng trực tiếp cho công suất tối đa khá khiêm tốn 188 mã lực, mô-men xoắn cực đại 252 Nm. Đây cũng là điểm trừ lớn của CX-8 so với các đối thủ trong phân khúc.
Về an toàn, mẫu xe nhà Mazda trang bị 6 túi khí, bằng với Santa Fe và bằng gần một nửa VF 8 (11 túi khí).
Trong khoang nội thất xe được trang bị cửa sổ trời, gương trong xe chống chói tự động, hệ thống âm thanh 10 loa, màn hình trung tâm 8-inch khá nhỏ khi so với các đối thủ trong phân khúc. Ở bản cao cấp nhất, mẫu xe đến từ Nhật Bản có mức giá lăn bánh hơn 1,2 tỷ đồng – ngang VF 8 Lux Plus nhưng chỉ được bảo hành 5 năm/150.000 km.
Honda CR-V: Xe cỡ C - giá hạng D
Honda CR-V là một trường hợp khá đặc biệt khi mẫu xe đến từ Nhật Bản chỉ có kích thước và trang bị tương đương so với các mẫu xe crossover hạng C, nhưng giá niêm yết khá cao từ 1-1,2 tỷ đồng - tương đương các SUV hạng D. Cộng thêm các loại chi phí, mức giá lăn bánh của CR-V dao động từ 1,1-1,4 tỷ đồng.
Ở phiên bản máy xăng, Honda CR-V được trang bị động cơ 1.5L tăng áp tương tự thế hệ cũ với công suất 188 mã lực, mô men xoắn cực đại 240 Nm, tương đương Mazda CX-8. Nếu so với VF 8 Lux Plus có giá lăn bánh tương đương 1,2 tỷ đồng, công suất của Honda CR-V thậm chí chưa bằng một nửa mẫu xe điện của nhà VinFast. Ngay cả trên phiên bản cao cấp nhất e:HEV RS, công suất động cơ kết hợp xăng và điện cũng chỉ là 204 mã lực, bằng 1/2 VF 8 Lux Plus.
Honda cũng trang bị cho CR-V hệ thống Honda Sensing với các tính năng gồm cảnh báo xe phía trước khởi hành, phanh tự động giảm thiểu va chạm, hỗ trợ giữ làn, cảnh báo chệch làn… không quá nổi bật và có thể tìm thấy ở bản cao các mẫu xe cỡ B. Mức giá thành vượt phân khúc cùng chính sách bảo hành chỉ 3 năm (phiên bản máy xăng) đến 5 năm (phiên bản hybrid) cũng là hạn chế khiến người dùng e ngại khi quyết định lựa chọn mẫu xe này.