Khoa học & Đời sống

"Bóc" kịch bản thâu tóm “đất vàng” của đại gia Nguyễn Thủy Nguyên

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Kết luận chỉ rõ một số tồn tại và khuyết điểm trong việc: lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa vi phạm Luật Đấu thầu 2013; ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa, nhưng chưa tuân thủ mẫu hợp đồng quy định; lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng có nhiều sai sót.

Đặc biệt, cơ quan thanh tra kiến nghị, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) xin rút vốn trước thời hạn.

"Miếng mồi" bất động sản

Việc Công ty Vạn Cường - một doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tiến hành thâu tóm Vivaso, và sau đó thông qua công ty này sở hữu 65% VFS đã đặt ra câu hỏi lớn trong những ngày qua về mục tiêu kinh doanh, bởi hai đơn vị được thâu tóm có hoạt động không mấy liên quan.

Tuy nhiên, dù Vivaso và VFS không có điểm chung về hoạt động kinh doanh chính, nhưng cả 2 đều ít nhiều có sự giống nhau về bản chất của đơn vị bị thâu tóm, cũng như cách thức quản lý sau cổ phần hóa của Vạn Cường. Điểm chung duy nhất của 2 doanh nghiệp trên là quá trình cổ phần hóa không thành công khi thu hút được ít sự chú ý, nhưng những "tài sản ngầm" của 2 đơn vị này lại có quy mô lớn. 

"boc" kich ban thau tom “dat vang” cua dai gia nguyen thuy nguyen hinh anh 1

Thanh tra Chính Phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. 

Với Vivaso, ngoài việc có giá trị doanh nghiệp của một tổng công ty vận tải đường thủy, Vivaso này đang quản lý sử dụng nhiều khu đất có giá trị lớn ở miền Bắc với tổng diện tích là 50ha. Trong số đó có các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hoặc các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…

"boc" kich ban thau tom “dat vang” cua dai gia nguyen thuy nguyen hinh anh 2

Trụ sở của Tổng công ty Vận tải thủy nằm trên "đất vàng" đường Nguyễn Văn Cừ. 

Đối với VFS, đơn vị này cũng đang được quyền thuê và sử dụng 4 khu “đất vàng”. Tại TP. Hồ Chính Minh có một lô đất 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM - hình thức sở hữu thuê đất của nhà nước. Tại Hà Nội: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội), hình thức sở hữu là thuê đất trả tiền hàng năm, đất đã thuê hơn 50 năm; 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám - hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8m2 đất ở Đông Anh (tức trường quay Cổ Loa) - hình thức sở hữu là giao đất. 

Theo tìm hiểu giá đất ở tại mặt đường Thụy Khuê được UBND. TP Hà Nội quy định là 46 triệu/m2, nhưng thực tế có thời điểm giao dịch đã lên đến 250 triệu đồng/m2. Còn đất mặt phố Hoàng Hoa Thám hiện nay, mỗi mét vuông đất có giá khoảng 120-130 triệu/m2, khu đất tại Đông Anh của VFS có thị giá tối thiểu 160 tỷ đồng.

Như vậy nếu chỉ cho thuê mặt bằng chủ sở hữu “hái ra tiền chục tỷ” mỗi năm, chưa kể một vài năm sau khi được phép chuyển đổi công năng sử dụng, nơi đây trở thành nhà hàng, khách sạn, căn hộ cao cấp thì con số chủ đầu tư thu được sẽ là bao nhiêu?

Kịch bản quen thuộc

Quá trình cổ phần hóa tại "đầu tàu" vận tải thủy như Vivaso với kỳ vọng sẽ đem lại sự bứt phá cho ngành vận tải đường thủy, đã không diễn ra như mong đợi. Thế nhưng, sau hai năm sau cổ phần hóa, Cảng Hà Nội từng lừng lẫy một thời chỉ tồn tại cầm chừng với hoạt động cho thuê kho bãi. Đại diện Cảng vụ Đường thủy Hà Nội trong lần trả lời báo chí cũng cho biết, không có bất cứ đầu tư mới nào vào cảng Hà Nội sau 2 năm cổ phần hóa. Thậm chí hoạt động của đơn vị này còn thu gọn lại.

Đơn cử, trước cổ phần hóa, cán bộ công nhân cảng có hàng trăm người, nhưng đến cuối năm 2016 nhân sự trực tiếp vận hành chỉ còn vỏn vẹn 5 người. Đa số công nhân bị trả lương thấp đã xin nghỉ và bán lại cho Vạn Cường số cổ phần ưu đãi sở hữu còn lại.

"boc" kich ban thau tom “dat vang” cua dai gia nguyen thuy nguyen hinh anh 3

Hầu hết diện tích Cảng Hà Nội biến thành nhà kho cho thuê. (ảnh Nguyễn Chương)

Các cảng đường thủy lớn tại miền Bắc cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi hoạt động nổi bật nhất sau cổ phần hóa Vivaso lại là cho đơn vị vận tải đường bộ khác thuê hạ tầng. Tòa nhà trụ sở chính của Vivaso trên đường Nguyễn Văn Cừ cũng được cho thuê lại, còn đơn vị này dồn trụ sở về cảng Hà Nội.

Đối với VFS, việc chi hơn 32 tỷ đồng trở thành cổ đông chiến lược VFS cũng chính là khoản đầu tư lớn đầu tiên của Vivaso. Và "kịch bản quen thuộc" cũng diễn ra tại VFS. Các nghệ sĩ của hãng phim đã có đơn kêu cứu sau gần ba tháng được Vivaso mua lại, bởi nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng những cam kết trước đó, cũng như mục đích thực sự của việc đầu tư.

Thế nhưng, hoạt động của VFS sau cổ phần hóa đã rơi vào tình trạng thua lỗ, chủ đầu tư nợ lương, không có dự án phim truyện, không đầu tư vào lĩnh vực hoạt động chính...

Đại biểu Quốc hội đề nghị

Liên quan đến thương vụ cổ phần hóa Vivaso, Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét lại trường hợp cổ phần hóa Vivaso gồm 10 doanh nghiệp với hàng trăm đoàn tàu, nhiều tài sản nhà nước chỉ cồ phần hóa được với giá 327 tỷ đồng - chỉ tương đương với một căn nhà phố cổ.

Ông Nhưỡng cho biết, rất nhiều người bức xúc trước thực trạng cổ phần hóa tại Vivaso. Nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng Hà Nội cũng chính là người gửi đơn khiếu tại tố cáo về những bức xúc trong công tác cổ phần hóa tại đây. Tuy nhiên, kết luận giải quyết tố cáo đã gây ra một sự bất bình khi nói rằng cổ phần hóa tại Vivaso rất bình thường, không có vấn đề gì. Thậm chí, kết luận còn thừa nhận không tiếp cận nổi các tài liệu về cổ phần hóa.

Theo ông Nhưỡng, không chỉ tài sản bị hạ giá thấp mà còn một vấn đề nữa là để thất thoát một số tài sản khác không đưa vào cổ phần hóa giống như một loại quỹ đen của cổ phần hóa. 

"boc" kich ban thau tom “dat vang” cua dai gia nguyen thuy nguyen hinh anh 4

Dư luận đặt ra nghi vấn thâu tóm "đất vàng" tại Cảng Khuyến Lương. 

Ngoài ra, việc góp mặt của ông Nguyễn Thủy Nguyên trong quá trình cổ phần hóa tại Cảng Khuyến Lương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang được dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Bởi, hiện tại, Công ty Cổ phần Cảng Khuyến Lương có 02 nhà đầu tư có vốn điều lệ lớn: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có số cổ phần sở hữu chiếm 49%; Công ty Liên hiệp Xây dựng Vạn Cường có số cổ phần sở hữu chiếm 40%.

Điều đáng chú ý, Cảng Khuyến Lương đang sử dụng 4 khu đất rộng tới hơn 10ha đất tại địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Sau khi cổ phần hóa, phương án sử dụng đất là vẫn tiếp tục thuê đất của nhà nước, trả tiền hàng năm và không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp.

Được biết, năm 2013, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương để cổ phần hóa là hơn 57,4 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương là 40,5 tỷ đồng. Mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần. Điều đáng nói, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này sau khi cổ phần cũng không có nhiều khởi sắc.

Theo Dân Việt

 

Cận cảnh đất vàng nghìn tỷ của Thuận Thảo bị mang đấu giá

(Techz.vn) Thị trường bất động sản ở Tân Túc rất khó sôi động trong ngắn hạn, và đây sẽ là trở ngại lớn nhất của phiên đấu giá sắp tới.