Ngày 27.9, chương trình Bán hàng toàn cầu với Amazon diễn ra tại TP.HCM thu hút hơn 1.000 người tham dự, gồm các chủ doanh nghiệp, chủ shop online, nhà sản xuất… và những người quan tâm đến việc bán hàng, đưa sản phẩm ra thế giới.
Chị Hân Nguyễn - Giám đốc cơ sở Andre Gift Shop chia sẻ, từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với vỏn vẹn 4 nhân viên, cơ sở này đã phát triển mạnh chỉ trong một thời gian ngắn mở rộng xưởng sản xuất lên 300 m2 với 35 nhân viên sau khi tham gia bán nhiều sản phẩm khác nhau đến tay hàng nghìn khách hàng trên Amazon.
Trước đó, cơ sở này chủ yếu bán lẻ ở Việt Nam và bán buôn cho một số khách nước ngoài. Tuy nhiên do không bán trực tiếp cho khách hàng nước ngoài nên cơ sở khó nắm bắt sở thích của người tiêu dùng, giá cả bán hàng cũng không được tốt. Từ khi tham gia phân phối hàng hóa trên Amazon, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) đã giúp cơ sở của chị Hân tăng tốc độ giao hàng, nhanh chóng cung cấp được sản phẩm theo nhu cầu của người mua.
Rất nhiều nhà cung cấp, chủ doanh nghiệp, chủ shop... quan tâm tìm hiểu việc bán hàng qua Amazon.
Hiện doanh số từ Amazon chiếm 50% trong bán hàng trực tuyến của cơ sở này và sẽ tăng lên 70% trong năm sau. Mục tiêu đơn vị này cũng sẽ mở rộng thị trường sang Úc, châu Âu và Nhật Bản vào cuối năm nay thông qua kênh bán hàng Amazon.
Theo các chuyên gia chia sẻ tại ngày hội, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công khi bán hàng trên Amazon chính là chất lượng sản phẩm và tính độc đáo của sản phẩm.
Trong thời buổi nền thương mại điện tử phát triển “như vũ bão” hiện nay, nhiều doanh nghiệp, chủ shop, đơn vị bán hàng nhỏ,…thể hiện mong muốn mở rộng kinh doanh, phát triển quy mô, xúc tiến bán hàng trên Amazon để tiếp cận người mua hàng trên toàn thế giới.
Thế nhưng, theo đại diện Amazon Global Selling Đông Nam Á, rào cản ngôn ngữ là một trong những khó khăn lớn nhất của người bán hàng Việt Nam, khiến nhà cung cấp Việt Nam không thể tiếp cận được nhiều khách hàng quốc tế.
Để tháo gỡ khó khăn này, Amazon Global Selling Đông Nam Á đã công bố giải pháp bản địa hóa mới nhất, gồm trang web tiếp thị bằng tiếng Việt (services.amazon.vn) và trang facebook (www.facebook.com/banhangamazon) chính thức cho người bán hàng từ Việt Nam để giúp nhiều người bán hàng dễ dàng tìm thông tin, tài liệu và sự hỗ trợ để bắt đầu việc bán hàng trên Amazon. Amazon kỳ vọng, các giải pháp này sẽ giúp cho người bán hàng Việt Nam mở rộng kinh doanh xuyên biên giới và tạo thương hiệu bền vững.
Thông qua Amazon, người bán hàng từ Việt Nam có thể tiếp cận trực tiếp với hơn 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới của “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử này, gồm hơn 100 triệu khách hàng tiềm năng, mua sắm thường xuyên.
Việc bán hàng trên Amazon giúp người bán tiếp cận được khối lượng khổng lồ khách hàng từ nhiều quốc gia khác nhau. (Ảnh tư liệu).
Ông Park Joonmo – Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết, đã có nhiều sản phẩm của Việt Nam được bán trên Amazon tới khách hàng quốc tế. Thậm chí, những sản phẩm tưởng chừng rất đỗi quen thuộc, giá cả “rẻ bèo” ở Việt Nam như dầu cù là Sao Vàng, phin pha cà phê, cà phê Trung Nguyên, chổi chít... khi bán trên Amazon lại có giá trị khá cao.
“Amazon cung cấp dịch vụ hỗ trợ và hoàn thiện đơn hàng (FBA) đẳng cấp thế giới, có thể chuyển giao đến người tiêu dùng ở hơn 180 quốc gia và bao gồm tất cả các cơ sở hỗ trợ các hoạt động hoàn thiện đơn hàng, phân loại, giao hàng và kho bãi. Chúng tôi hi vọng qua các giải pháp mới của chúng tôi, sẽ thấy ngày càng nhiều các sản phẩm độc đáo được sản xuất chính tại nội địa Việt Nam có thể tiếp cận người mua trên toàn thế giới”, ông Park Joonmo nói.
Theo thống kê, thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng toàn cầu với sự tăng trưởng từ 20 – 30%/năm và doanh số đạt hàng ngàn tỷ USD. Đây được xác định là “sân chơi” với nhiều cơ hội và cả thách thức.
Hiệp Hội Thương Mại Điện Tử Việt Nam (VECOM) đánh giá, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang rất sôi động và nhiều tiềm năng, kể cả thương mại điện tử xuyên biên giới. VECOM phối hợp với Amazon Global Selling team tại Singapore để hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc. Qua đó, doanh nghiệp có thể bán hàng, mở rộng kinh doanh thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu lan tỏa trên thế giới thông qua Amazon - một trong những “thị trường khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử trên thế giới.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước có bán hàng trên Amazon. Con số này chưa lớn so với tiềm năng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi, các sản phẩm “Made in Vietnam” như hàng nông sản, thủy sản, đồ gỗ… có sức cạnh tranh rất cao trên thị trường.
Theo Dân Việt
Tạm quên iPhone đi, đây mới là cuộc chiến mà cả Apple, Samsung, Amazon, Google dành hết trí lực
(Techz.vn) Và Amazon vừa mới tiến một bước rất dài trong cuộc chiến đó.