Doanh nghiệp

Lý do bộ ba "doanh nghiệp họ Vin” lọt Top 15 thương hiệu giá trị

Lý do bộ ba

ly do bo ba

“Bộ ba doanh nghiệp họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nằm trong Top 15 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (Ảnh: I.T)

Đây là năm thứ ba Forbes Việt Nam xếp hạng những thương hiệu giá trị hàng đầu Việt Nam. Theo đó, danh sách lần này ghi nhận nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tổng giá trị của danh sách lần này tăng khoảng 50% so với danh sách một năm trước đó.

Xét về cơ cấu nhóm ngành, so với danh sách năm ngoái, không có thay đổi nhiều. Nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng nhóm tài chính - ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách do ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhóm công nghệ - viễn thông bên cạnh ba gương mặt cũ, có thêm VinaPhone, VNPT. Trong danh sách năm nay, có những thương hiệu mới như Vinhomes, Vincom Retail nhờ dữ liệu tài chính công khai trên sàn niêm yết.

Trong danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm nay, bên cạnh dấu ấn 3 năm liên tiếp được bình chọn là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam  của Vinamilk, danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm nay còn chứng kiến một dấu ấn khác của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng khi “bộ ba doanh nghiệp họ Vin” gồm Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail đều nằm trong nhóm 15 thương hiệu giá trị nhất Việt nam do Forbes Việt Nam công bố.

Vậy điều gì giúp “Bộ ba doanh nghiệp họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nằm trong Top 15 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam?

Quán quân lợi nhuận VinHomes

Vinhomes là thương hiệu bất động sản cao cấp của tập đoàn Vingroup. Công ty CP Vinhomes được thành lập năm 2008 với tên gọi ban đầu là công ty cổ phần Đô thị BIDV – PP, dự án đầu tiên là tiên tháp đôi Vincom BIDV Bà Triệu (Hà Nội).

Trải qua một vài lần góp vốn, sáp nhập, đổi trên, công ty cổ phần Đô thị BIDV – PP trở thành Công ty cổ phần Phát triển đô thị Nam Hà Nội, đơn vị này đã khai thác và vận hành dự án Times City của Vingroup.

ly do bo ba

Vinhomes sở hữu một quỹ đất bao gồm các dự án đã mở bán và các dự án đang phát triển lên tới 16.410 ha tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM (Ảnh minh họa)

Sau một vài năm, tới đầu tháng 2.2018, vốn điều lệ của Nam Hà Nội tăng mạnh từ mức 2.000 tỉ đồng lên 28.365 tỉ đồng thông qua việc nhận sáp nhập hai công ty khác của Vingroup, đồng thời đổi tên thành Vinhomes.

Sau khi đổi tên thành Vinhomes, công ty tiếp tục tách ra một công ty con mới và giảm vốn điều lệ xuống mức 26.796 tỉ đồng như hiện tại. Tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại Nam Hà Nội ban đầu là 98,9%, giờ giảm xuống còn gần 70% tại Vinhomes sau sáp nhập và chia tách.

Trong cơ cấu cổ đông của Vinhomes, có hai cổ đông lớn là tập đoàn Vingroup nắm giữ hơn 1,866 tỷ cổ phiếu VHM tương đương 69,66% cổ phần và quỹ GIC của Singapore nắm 5,74% cổ phần. Trong đó, ông Phạm Nhật Vương, Chủ tịch HĐQT Vingroup kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinhomes đang đại diện cho Vingroup nắm giữ hơn 933,26 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 37,83% số cổ phần.

Dựa trên tiêu chí của Forbes,thương hiệu giá trị nhất là những thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong những ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo thì Vinhomes, với con số lợi nhuận trước thuế đạt 9.854 tỷ đồng và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 7.732 tỷ đồng thậm chí còn vượt xa lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn như Vietcombank, Vietinbank, Techcombank và BIDV.

Các dự án của Vinhomes đều có vị trí đắc địa tại các tỉnh thành trọng điểm, nổi bật nhất là các dự án Vinhomes Royal City, Vinhomes Times City (Hà Nội), Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River (TP.HCM).

Với hàng loạt dự án bất động sản đang kinh doanh và sắp triển khai, VinHomes nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ ngôi quán quân lợi nhuận trên trong một thời gian dài nữa. Theo thông tin trong bản cáo bạch, VinHomes dự kiến đạt 21.971 tỷ đồng LNTT trong năm 2018 và 33.581 tỷ đồng trong năm 2019.

Năm 2018, Vinhomes xác lập kỷ lục khi giá trị công ty được định giá 13,5 tỉ đô la Mỹ qua đợt IPO chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là dấu mốc mà theo các chuyên gia phân tích, giới kinh doanh chứng khoán, có thể rất lâu mới có một doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể vượt qua.

Theo công ty nghiên cứu, môi giới bất động sản CBRE, Vinhomes hiện là thương hiệu bất động sản nhà ở hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng 15% tính trên tổng số lượng căn hộ đã bán tại hai thị trường TP.HCM và Hà Nội giai đoạn 2015 - 2017. Vinhomes sở hữu một quỹ đất bao gồm các dự án đã mở bán và các dự án đang phát triển lên tới 16.410 ha tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Ông vua mặt bằng bán lẻ Vincom Retail

Trước khi cổ phiếu VHM của Vinhomes trở thành “bom tấn” trên TTCK Việt Nam năm 2018, cổ phiếu VRE của Công ty CP Vincom Retail, ngay từ thời điểm nộp hồ sơ niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM (HSX) đã được các nhà đầu tư đánh giá là “bom tấn” của năm 2017 nhờ vai trò quản lý và vận hành hệ thống hàng chục trung tâm thương mại (TTTM) tại 30 tỉnh thành, từ Tuyên Quang, Yên Bái tới TP.HCM, với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến 1,11 triệu m2 với 4 loại gồm: Vincom Mega Mall, Vincom Center, Vincom Plaza và Vincom+, chiếm khoảng 60% thị phần mặt bằng kênh bán lẻ hiện đại.

Không phụ sự kì vọng của các nhà đầu tư, ngay trong phiên chào sàn ngày 6.11.2017, VRE đã tăng kịch trần (20%) lên 40.550 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng đặt mua lên tới 13,5 triệu cổ phiếu, trong khi lượng dư bán bằng 0. Không tính các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngân hàng, mức vốn hóa của Vincom Retail lúc đó được tính toán là đứng thứ 5 trên sàn chứng khoán, xếp sau Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Vingroup (VIC) và Petrolimex (PLX).

ly do bo ba

Vincom Retail đang quản lý mặt bằng bán lẻ lên đến 1,11 triệu m2 (Ảnh minh họa)

Về kết quả kinh doanh, sau  6 tháng đầu năm 2018, Vincom Retail đạt 3.134 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 42%, từ 1.037 tỷ lên 1.474 tỷ đồng. Tuy vậy, LNST của cổ đông công ty mẹ chỉ tăng 6% từ 1.100 tỷ lên 1.161 tỷ đồng do cùng kỳ năm trước Vincom Retail phát sinh khoản thuế thu nhập hoãn lại có giá trị lớn.

Tính tới ngày 30.6.2018, Vincom Retail có 51 trung tâm thương mại (TTTM) đang hoạt động tại 28 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, tổng tài sản đạt 36.012 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 27.256 tỷ đồng.

Cũng trong Quý II.2018, Vincom Retail đã và đang khẩn trương chuẩn bị cho việc khai trương 9 dự án TTTM trong Quý III năm 2018 tại các tỉnh thành là Sơn La, Nghệ An, Tân Bình – TP HCM, Thái Nguyên, Nha Trang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam và đặc biệt là khai trương TTTM Vincom Center Landmark 81 vào ngày 26.7.2018.

Hệ sinh thái Vingroup

Dù xếp trên Vingroup về giá trị thương hiệu, song Vinhomes, Vincom Retail đều là những mảnh ghép trong hệ sinh thái Vingroup mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng dày công xây dựng.

Theo giới thiệu của Forbes Việt Nam, Vingroup là tập đoàn kinh doanh đa ngành hiện đang sở hữu nhiều thương hiệu riêng lẻ trong các ngành hàng khác nhau có tổng giá trị thương hiệu trị giá 307,2 triệu USD.

Hệ sinh thái các thương hiệu của Vingroup đều bắt đầu với chữ “Vin”: Vinhomes (bất động sản), VinFast (xe hơi), Vinpearl và Vinpearl Land (khách sạn, nghỉ dưỡng), Vincom Retail (trung tâm thương mại), Vinmart (chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán lẻ), VinEco (nông nghiệp), Vincommerce (thương mại điện tử), Vinmec (y tế), Vinschool (giáo dục), VinFa (dược phẩm)…

ly do bo ba

12 tháng qua, hệ sinh thái Vingroup đã đón thêm nhiều thành viên mới như VinFast, Vinsmart

12 tháng qua, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chứng tỏ là một trong các công ty tư nhân phát triển năng động nhất Việt Nam khi công bố nhiều hoạt động kinh doanh táo bạo, có tính đột phá. Đáng chú nhất, tháng 9.2017, Vingroup thành lập VinFast, mảng kinh doanh xe hơi, dự kiến sẽ cho những sản phẩm đầu tiên vào năm 2019. Đầu năm 2018, tập đoàn tuyên bố thành lập nhánh kinh doanh dược phẩm VinFa và ngay sau đó tuyên bố rót vốn sản xuất điện thoại thương hiệu VinSmart.

Dù kinh doanh đa ngành nhưng nhánh kinh doanh bất động sản vẫn đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn này. 6 tháng đầu năm 2018, Vingroup đạt xấp xỉ 61.200 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26.000 tỷ so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi từ 3.142 tỷ lên 6.230 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 962 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản quý II.2018 đạt 23.814 tỷ đồng, tăng 9.798 tỷ đồng tương đương với tăng 69,9% so với quý 2 năm 2017, chủ yếu đến từ các dự án lớn như Vinhomes Golden River, Vinhomes Central Park, Vinhomes The Harmony và Vinhomes Green Bay.

Tại ngày 30.6.2018, tổng tài sản Vingroup đạt 242.176 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 86.838 tỷ đồng, tăng lần lượt 13,3% và 65,2% so với cuối năm 2017.

Theo: Dân Việt

 

Vingroup gần hoàn tất mua Viễn Thông A

(Techz.vn) Nguồn tin giấu tên cho biết Viễn Thông A đang sáp nhập vào Vingroup.