Khởi nghiệp

'Em muốn khởi nghiệp nhưng mới chỉ có ý tưởng thì phải làm sao?' Đây là lời khuyên của Shark Hưng

14h, tầng 3 của một trung tâm tổ chức sự kiện tại Láng Hạ trở nên chật chội với hai hàng dài đa phần là những gương mặt trẻ. Sức nóng của chương trình Shark Tank kéo họ tới đây để được giao lưu cùng 5 vị shark quen thuộc.

Đừng sợ mất ý tưởng

Khởi nghiệp đã trở thành từ khóa hot với những người trẻ Việt Nam trong vài năm gần đây. "Em rất muốn khởi nghiệp nhưng mới chỉ có ý tưởng thì phải làm sao?" là một trong những câu hỏi phổ biến của giới trẻ dành cho Shark Phạm Thanh Hưng.

"Đầu tiên các bạn nên gặp một vài người để chia sẻ ý tưởng này, có thể đó là bạn thân của mình, người thân của mình. Đừng sợ bị mất ý tưởng, càng chia sẻ ý tưởng sẽ càng hoàn thiện", shark Hưng đưa ra lời khuyên.

Theo ông, việc đóng gói và hoàn thiện ý tưởng rất quan trọng. Ý tưởng đó có thể bắt nguồn từ giải bài toán gì đó trong xã hội hay xuất phát từ chính bản thân mình hoặc có thể là bắt chước từ người khác.

Bước thứ 2 theo phó chủ tịch CenGroup là xây dựng kế hoạch, mặc dù nó có thể rất sơ khai. "Kế hoạch của bạn bắt đầu từ cái tiềm năng của mình hiện có bao nhiêu tiền, bạn có bao nhiêu thời gian, bạn có năng lực gì, bạn có đam mê gì, bạn có ai sẵn sàng làm cùng mình hay không?", shark Hưng liệt kê ra sơ bộ một vài thứ then chốt cần có trong bản kế hoạch.

Vị doanh nhân này còn đưa ra kịch bản nếu thiếu vấn đề gì thì bạn định giải quyết vấn đề ấy ra sao, mời ai tham gia cùng. Ngoài ra bản kế hoạch còn có các vấn đề liên quan đến vận hành, triển khai như nào, quy mô sản xuất nhà máy sản phẩm ra sao, bắt đầu từ con người đến dịch vụ. Tiếp theo là tiền.

"Tiền bao giờ cũng cần nhưng rõ ràng không phải là tất cả. Nếu ý tưởng của bạn tốt thì việc có tiền là rất dễ", ông bật mí.

Shark Hưng đặc biệt nhấn mạnh đến việc chia sẻ ý tưởng với những người sẵn sàng góp ý. Thậm chí đó có thể là các shark, như bản thân ông thông qua Facebook cá nhân cũng nhận được nhiều câu hỏi và sẵn sàng chia sẻ riêng.

Bước tiếp theo là phải hành động. "Nghĩ ít thôi. Tất cả những khâu chuẩn bị trên chỉ nên trong vòng 1 vài tháng, làm luôn, còn không để quá muộn thì không có cơ hội để điều chỉnh lại nếu kế hoạch sai", doanh nhân này nhấn mạnh.

Ba bước cơ bản để khởi nghiệp thành công

Không chỉ shark Hưng, tác giả nổi tiếng Dan Norris trong cuốn 7 ngày khởi nghiệp cũng từng nêu lên ba yếu tố cần thiết để một startup cất cánh thành công: Lên ý tưởng, Thực hiện và Lăn lộn với công viêc.

Lên ý tưởng

Có một châm ngôn nổi tiếng khác trong giới doanh nhân, đó là: "Ý tưởng không quan trọng, quan trọng là việc thực hiện ý tưởng đó." Tuy nhiên Dan Norris lại cho rằng lời khuyên này tuy mang tính thiện chí nhưng không đúng.

Ông quan sát những startup theo xu thế và thành công nhận thấy rằng tất cả họ đều nỗ lực vì một thành quả mang tính độc nhất vô nhị. Đó có thể không phải là một sản phẩm Iphone tiếp theo, nhưng là một ý tưởng chắc chắn thu hút được sự quan tâm đủ để "cất cánh".

Và hầu hết các người khởi nghiệp đam mê đều đầu tư 100% thời gian vào nghiên cứu ý tưởng. Họ có thể thao thao về ý tưởng cho tới khi mặt mày đỏ gay, nhưng khi đả động tới những yếu tố khác thì họ lại im như thóc.

Thực hiện

Khi đã có một ý tưởng xuất sắc, bạn cần hiện thực hóa nó một cách hiệu quả, làm sao để đưa một sản phẩm/ dịch vụ ra thị trường một cách nhanh chóng. Thực thi là khả năng bạn thể hiện ý tưởng của bản thân xuất sắc như những ý tưởng tuyệt vời nhất trên thế giới.

Chẳng ích gì khi phàn nàn về việc bạn phải tự bỏ vốn và không có tài xoay sở. Khách hàng sẽ chẳng hề quan tâm đến việc đó. Họ chỉ đưa ra những so sánh và lựa chọn. Nếu bạn không thể cung cấp dịch vụ/ sản phẩm tốt như đối thủ, họ sẽ chọn đối thủ cạnh tranh của bạn.

Nếu bạn không thể thể hiện ý tưởng của mình theo một cách có thể sánh ngang các công ty hàng đầu thế giới, hãy kiếm tìm một cộng sự đồng sáng lập, người có thể làm được điều đó.

Dan Norris.

Lăn lộn với công việc

Yếu tố cuối cùng là khả năng lăn lộn. Theo Dan Norris, lăn lộn là theo đuổi không ngừng nghỉ việc cần làm được tại một thời điểm nào đó.

Nhìn chung, đối với một startup giai đoạn đầu việc lăn lộn là dành thời gian làm những việc có khả năng mang khách hàng đến với bạn nhất. Đối với một số người, đó có thể là việc thâm nhập thực tế.

Ngay chính Dan Norris, ông xây dựng doanh nghiệp của mình dựa trên sự hỗ trợ từ marketing nội dung. Ông đã đăng tải 250 bài viết trong năm đầu tiên, mỗi ngày 13 bài. Hiện tại, nội dung website của công ty Dan Norris chính là một cỗ máy tạo khách hàng tiềm năng thành công tới mức họ hoàn toàn không cần quảng cáo.

Đối với bạn, lăn lộn có thể là việc tạo lập và mở rộng mạng lưới quan hệ. Có thể là gọi điện và thuyết phục khách hàng mở hầu bao của họ. Cũng có thể là nhờ vả các mối quan hệ. Cho dù là gì đi nữa, thì đó cũng phải là cách tốt nhất, vì giải quyết được vấn đề lớn nhất của bạn ngay bây giờ.

Tuy nhiên một số người không giỏi lăn lộn. Họ không biết cách chọn lọc, tìm ra những việc thật sự cần làm, vì thế phải mệt mỏi hoàn thành đống việc vô nghĩa.

Vì vậy theo ông, hãy trung thực với chính mình. Nếu việc lập ý tưởng, thực hiện, hay lăn lộn để hiện thực hóa ý tưởng không phải là điểm mạnh của bạn, hãy tìm một cộng sự đồng sáng lập thành thạo những khía cạnh này. Bạn cần làm vậy nếu muốn có một startup thành công.

Theo: Trí Thức Trẻ, Cafebiz

 

“Không sao, dù gì mình vẫn còn trẻ, hoàn toàn có thể mắc sai lầm”: Suy nghĩ này đã đánh lừa thế hệ 9x như thế nào?

(Techz.vn) Điều đáng sợ là, tình cảnh bản thân bị đào thải chưa bao giờ mất đi, nó chỉ được bạn trì hoãn, lặng lẽ chờ đợi bạn ở một ngày nào đó trong tương lai.